Khi còn là một thằng cu học mẫu giáo bé, tôi chưa biết “vẽ” là gì. Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật, không có năng khiếu hội họa, thậm chí còn có thể gọi là vẽ xấu. Vì thế từ khi khóc oe oe chào đời đến khi đi học, tôi gần như không có một chút khái niệm nào về việc có một thứ được gọi là “vẽ” tồn tại trên đời. 

Đầu giờ chiều ngày hôm ấy, lớp mẫu giáo bé của tôi có một sự kiện mới toanh, mang tên “Giờ Mỹ thuật”. Mỗi đứa được phát cho một tờ giấy trắng, kèm một tờ giấy có hình con gà trống nom rất oai vệ. Cô giáo bảo chúng tôi hãy “vẽ” lại hình con gà đó vào tờ giấy của mình. 

Không hiểu khái niệm “vẽ” của cô là như thế nào, nhưng đối với một thằng cu học mẫu giáo bé như tôi, tôi cố gắng hết sức để đưa cái bút chì trên giấy sao cho chỗ cong thì cong, chỗ lượn thì lượn. Ấy thế mà cái bút quái quỷ cứ nguệch ngoạc không theo ý mình, lúc thì cong tớn, lúc thì lượn đi tận đâu. Sau một hồi tập trung, cuối cùng tôi cũng “vẽ” xong con gà của mình. Đặt hai con gà cạnh nhau, ái chà, ít ra thì cũng ra một con gì đấy, có mào, có đuôi, nhưng hình như thiếu mất một chân. Tôi khá thất vọng, đành nhìn sang bài con bé bên cạnh. Hê hê, chả giống con gà chút nào. Vậy là tôi tự tin nhìn ngó xung quanh, các bạn vẫn đang miệt mài lắm. 

Cứ tưởng buổi chiều hôm ấy thế là tuyệt vời, thì bỗng dưng có một ông nào đó gõ cửa lớp tôi. À thì ra là ông ngoại của cái thằng cu H, đến đón nó về vì hình như nó bị ốm. Thằng cu H này, tên giống với tên của tôi, nhưng nó hiền lành chứ không nghịch ngợm như tôi. Trước khi ra về, nó lễ phép chào cô và nộp cho cô bài vẽ con gà của nó. Cô giáo nở một nụ cười thật tươi, chào tạm biệt hai ông cháu, rồi quay sang cả lớp chúng tôi vẫn đang hí hoáy. Cô giơ cao bài vẽ của thằng cu H lên và hết lời khen ngợi. Trời đất, có phải một thằng cu bằng tuổi, cùng tên, học cùng lớp mình vẽ không vậy. Nó vẽ đẹp hết sức, giống y đúc, mà con gà của nó nhìn còn xịn hơn con gà mẫu. Và khủng khiếp nhất là nó đã tô màu cho con gà của nó, đẹp cực kỳ. 

Đó là lúc tôi nhận ra cái con trong bài của tôi nó dở đến mức nào.

Tuổi thơ của tôi nối tiếp bằng sự kiện đi học Tiểu học. Ở lớp của tôi lại có một thằng cu khác tên là P suốt ngày được điểm 10 Mỹ thuật, xong lại hay được thi vẽ ở trường. Lúc ấy tôi cũng chả quan tâm lắm vì tôi đã biết thừa là mình vẽ xấu như khỉ, lo chơi sướng hơn chứ vẽ vời gì. 

Đến năm học lớp 3, trường tôi lại tổ chức cuộc thi vẽ thường niên. Cô giáo đọc tên các bạn được cử đi thi và hỏi có bạn nào muốn đăng ký không. Lúc ấy cao hứng thế nào, tôi lại xin cô cho thi. Đến hôm thi, vì là bạn cùng lớp mà lại cũng hay chơi với nhau, tôi và P ngồi vẽ bài thi cạnh nhau. Bài thi hôm ấy chủ đề về “Giao thông”, hai thằng chúng tôi ngồi dưới bóng cây và vẽ bài của mình. 

Ui dời, hồi đó trẻ con, nghĩ gì vẽ nấy chứ nào biết phân tích đề bài, tìm ý tưởng hay độc lạ. Tôi vẽ luôn một cái ô tô to oành đang bon bon trên đường, bên trên là ông mặt trời tỏa nắng chói chang, chim muông bay lượn hót líu lo. Đang vẽ dở, tôi quay sang nhìn bài của P. Nó vẽ một chú công an đang đứng trên bục, điều khiển ô tô, xe máy chạy trên đường. Tôi bất ngờ, sao nó có ý tưởng hay vậy, chú công an thì chắc chắn là ngầu rồi, lại còn bao nhiêu xe chạy xung quanh, ăn đứt một cái xe ô tô của tôi. Và y như rằng, bài thi của P được giải nhất. 

Từ lúc ấy, tôi mới bắt đầu có ý thức về việc tìm ra ý tưởng hay ho cho bài của mình. Và cũng từ lúc ấy, cái sự “vẽ” bắt đầu gắn liền với tôi. À quên, tôi được giải ba, cùng hạng với mấy chục đứa khác.

Tôi bắt đầu thích giờ học mỹ thuật, chăm vẽ truyện tranh cùng mấy đứa bạn. Về nhà cũng vẽ, vẽ hết po-kê-mon rồi đến sôn-gô-ku. Chả hiểu kiểu gì, tôi lại đâm ra thành thằng có-năng-khiếu-vẽ, theo như cô giáo, bố mẹ, và những người xung quanh tôi nói về tôi. 

Người lớn nói gì chả đúng, vậy là tôi cũng cho rằng mình có-năng-khiếu-vẽ, tôi thích vẽ! Rồi như để khẳng định rằng mình vẽ đẹp, tôi tiếp tục tham gia mấy cuộc thi vẽ ở trường, rồi cũng được giải, giải nhì. Đến năm lớp 5, còn được đi thi học sinh giỏi vẽ cấp quận, oai lắm. Lớp 5 thì cũng là nhớn phết rồi, tôi cũng tự thấy rằng mình vẽ cũng đẹp phết, hay về sau mình thành họa sĩ nhể, mà không được, họa sĩ nghèo lắm, làm việc cứ tùy hứng, à anh họ mình làm kiến trúc sư, vẽ siêu đẹp, được, mình sẽ làm kiến trúc sư. 

Những suy nghĩ ấy nhảy số liên tục trong đầu tôi.

Những năm tháng tiếp theo, tôi chẳng mảy may nghĩ về chuyện này nữa. Tôi vẫn vẽ, vẽ đẹp, ở lớp toàn vẽ bài hộ bạn đổi lấy gói bim bim, bát mỳ tôm. 

Đến khi học cấp 3 không còn môn mỹ thuật nữa, tôi vẫn vẽ trang trí bảng cho những sự kiện của lớp. Ba mẹ muốn tôi học tiếng Anh, rồi đi du học khi học xong cấp 3, còn học ngành gì tôi cũng chả nghĩ đến. Vậy là những năm cấp 3 của tôi tập trung cho việc học tiếng Anh, cho đến một buổi sáng chủ nhật nọ, khi tôi lớp 11. Ba đèo tôi về sau khi hai ba con đi ăn sáng, bỗng dưng tôi chợt nhớ lại về thằng cu học lớp 5 ngày xưa, khi nó đã đinh ninh rằng nó sẽ làm kiến trúc sư. Rồi tôi nhìn lại tôi bây giờ, vẫn vẽ đẹp, học toán giỏi, cũng hợp lý. Tôi bảo ba rằng tôi muốn thi vào Đại học Kiến trúc và theo nghề kiến trúc. Ba tôi đồng ý. Vậy là tôi gác lại công cuộc đi du học và tập trung học vẽ để còn thi đại học. 

Ở lớp học vẽ, tôi cũng tỏ ra là một đứa ngon lành, hay được điểm cao, được khen. Thầy tôi, một người rất giỏi và thầy cũng thừa hiểu, vẽ đẹp không phải là trở thành kiến trúc sư giỏi nhưng vẽ đẹp để đỗ vào trường là điều cần thiết ngay lúc này. Thầy cũng nói với tôi vậy và tôi cũng gật gù hiểu được phần nào. Rồi tôi thi, tôi đỗ, đỗ điểm cao hẳn hoi. Rồi tôi học đại học, tôi cũng say sưa. Đám bạn tôi nhiều đứa bỏ giữa chừng để đi làm nghề khác, còn tôi vẫn kiên trì và không hề mảy may nghĩ gì khác ngoài việc sau này mình sẽ làm nghề kiến trúc thật nghiêm túc. Tôi tốt nghiệp, tôi đi làm.

Đến khi đi làm, tôi mới thực sự hiểu hết được những lời thầy tôi nói năm xưa. Trước đây tôi cũng hiểu, nhưng chỉ lờ mờ, và cho rằng nó không thực sự quá khắc nghiệt. Cũng may là thầy tôi làm một người làm nghề rất nghiêm túc nên tư tưởng của thầy cũng thấm dần vào tôi. Tôi cũng có một mong muốn làm nghề là phải nghiêm túc, để cho xứng với cái cụm từ “kiến trúc sư”. Vì vậy tôi đã xin việc vào làm ở một văn phòng với lối làm việc chuẩn chỉnh, nơi tôi cho rằng đã làm nghề thì phải làm như vậy, còn không thì tốt nhất đừng làm.

Vào chính lúc này, tôi mới nhận ra rằng để làm nghề nghiêm túc thì tôi thiếu và không có quá nhiều yếu tố để trở thành một kiến trúc sư như tôi định nghĩa.
Tôi xin nghỉ việc.

Quãng thời gian ở nhà có lẽ là quãng thời gian nặng nề nhất trong suốt cuộc đời tôi cho đến lúc này. Ba mẹ không tạo nhiều áp lực cho tôi nhưng tôi hiểu họ rất lo lắng. Tôi không biết phải làm gì, và sự nghiệp của mình sẽ về đâu. Tôi nhận ra mình chẳng có khả năng làm nghề gì khác, kinh doanh không, kỹ sư không, ngân hàng cũng không. Suốt 5 năm học đại học, tôi chỉ rèn luyện để trở thành một kiến trúc sư, nhưng giờ tôi không làm được. Tôi hoang mang. Chợt tôi nhớ về những đứa bạn tôi đã bỏ học giữa chừng, chúng nó đang làm nghề vẽ minh họa. Bọn đấy vẽ đẹp dã man, tôi không ăn thua. 

Tôi lại nhớ tiếp, rằng những năm đại học của tôi, tôi có nhận thêm việc làm về vẽ lô-gô, thiết kế pót-tơ.

Đối với tôi, làm thiết kế đồ họa bây giờ như một lối thoát, lối thoát duy nhất để tôi thoát khỏi cái cuộc đời vô dụng đang hiện hữu trước mắt tôi. Nhưng tôi cũng sợ rằng nhỡ đâu lối thoát này lại đưa tôi vào ngõ cụt, mà thời gian thì không cho phép tôi thử nghiệm thêm nữa. Tôi hỏi han những anh chị, bạn bè, đã từng như tôi, bỏ nghề kiến trúc để theo nghề này, nhằm để tìm một điểm chung nào đó, để có thêm sự chắc chắn, nhưng không ăn thua.

Cho đến khi tôi nói chuyện với một người bạn thân của tôi, một người mà tôi cho rằng là người trưởng thành, chín chắn nhất mà tôi từng gặp, người đã và đang có một sự nghiệp ổn định, với việc đã đặt ra lộ trình, kế hoạch cho tương lai. Và nó đã cho tôi những lời khuyên, không phải là mày nên làm cái này, nên làm cái kia, mà nó khuyên tôi hãy lắng nghe chính bản thân tôi, bằng cách tự trả lời những câu hỏi về bản thân tôi mà nó đưa ra.

Câu chuyện này có lẽ tôi sẽ kể trong một dịp khác, nhưng nhờ đó mà tôi cảm thấy tự tin hơn vào quyết định của mình, và quan trọng nhất là tôi cảm thấy mình thực sự phù hợp với ngành thiết kế đồ họa. Và thế là giờ tôi đang học thiết kế đồ họa, muốn làm nghề giỏi thì phải học tử tế.

Câu chuyện về cuộc đời tôi, từ bé đến lớn, từ đến lúc ghét đến lúc gắn bó với “vẽ”, nghĩ rộng ra là “art”, không phải là suôn sẻ mịn màng. Nhưng giờ tôi đã đủ tự tin để nói rằng: “Art is my life”.

Tác giả bài viết: Quang Hưng

Chuyên ngành 2D Design & Motion Graphics – Khóa 1

Biên tập: Trà My – Monster Lab

Minh họa: Monster Lab

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập