- -

Tại sao thiết kế đa văn hóa lại quan trọng đến vậy

thiet ke da van hoa
Facebook
Email
Print

Hầu như chúng ta đều bắt đầu một thứ mà chúng ta hiểu rõ. Chúng ta làm việc vì thấy thân thuộc và yêu thích chúng. Ta sử dụng hình ảnh, ngôn từ để cho mọi người cảm nhận được sự tâm huyết của ta gửi gắm vào đó. Thế nhưng chúng ta lại đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối và tất nhiên là những gì hiệu quả ở Chicago có thể không phù hợp khi ở Chiang Mai. Đó là lý do vì sao thiết kế đa văn hóa xuất hiện, trong đó các sản phẩm và bao bì của chúng được định hình lại cho các thị trường khác nhau.

Vậy thiết kế đa văn hóa là gì, nó có thể trở nên sai lệch ra sao và cách bạn có thể đi đúng hướng như thế nào?

Minh họa bởi Orange Crush

Thiết kế đa văn hóa là gì?

Thiết kế đa văn hóa bao gồm sự khác biệt về văn hóa. Các nhà thiết kế sử dụng vốn kiến thức về người và địa điểm khác nhau để xây dựng nên các sản phẩm phù hợp với các thị trường khác nhau. Thiết kế đa văn hóa ngày càng trở nên quan trọng hơn. Chúng ta đang sống trong thời đại bán lẻ mà biên giới giữa các quốc gia ngày càng được xoá mờ— ước tính có khoảng 2,14 tỷ người đã mua sản phẩm trực tuyến vào năm 2021. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng của làm việc từ xa, nhiều công ty chỉ đặt trụ sở tại một địa điểm duy nhất. Và trong khi nhiều doanh nghiệp đang phát triển đa dạng hơn, vẫn có nhiều công ty chiêu mộ nhân viên từ một nhóm nhân tài bị giới hạn bởi quốc tịch, giai cấp, chủng tộc, giới tính, tuổi tác hoặc giới tính. Xây dựng văn hóa công sở cởi mở và hòa nhập hơn, đồng thời đảm bảo các chính sách tuyển dụng của bạn có hiệu quả để loại bỏ sự thiên vị, có thể giúp bạn xây dựng một lực lượng lao động đa dạng hơn. Và để nhóm đó sẽ tạo ra các sản phẩm thực sự có thể vượt ra khỏi biên giới quốc gia, bạn cần quốc tế hóa hoặc bản địa hóa các sản phẩm của mình.

Bản địa hóa, quốc tế hóa và doanh nghiệp của bạn

Sau đây là một số cách tiếp cận liên quan cho thiết kế đa văn hoá: – Giữ nguyên sản phẩm và bao bì ở bất cứ thị trường mục tiêu nào. – Quốc tế hóa sản phẩm: sửa đổi thiết kế và nội dung sản phẩm để sao cho cùng một mặt hàng có thể được bán ở các thị trường khác nhau mà không gây bối rối hoặc vi phạm. – Bản địa hóa sản phẩm: thay đổi sản phẩm (có thể sử dụng màu sắc hoặc artwork khác, hoặc điều chỉnh trên chính sản phẩm) phục vụ cho các thị trường mục tiêu khác nhau. Không có cách tiếp cận nào là dễ dàng nhất. Thay vào đó, tuỳ vào từng doanh nghiệp sẽ cần phải lựa chọn dựa trên quy mô, chiến lược và sản phẩm của họ.

Khi thiết kế không phải là dịch thuật

Một thiết kế đa văn hóa tồi có thể là thảm họa. Ngay cả những thứ có vẻ đơn giản như màu sắc cũng có thể gợi ra nhiều loại phản ứng đa dạng. Ở hầu khắp trên thế giới, màu vàng được liên hệ đến ánh mặt trời và niềm hạnh phúc, nhưng nó cũng liên quan trực tiếp đến gia đình hoàng gia ở Thái Lan và ám chỉ sự yếu đuối và lòng ghen tị ở Pháp (nơi cánh cửa buồng giam được sơn màu vàng trong thời trung cổ). Tại Trung Quốc, màu vàng gắn liền với các vị hoàng đế cổ đại và nội dung khiêu dâm hiện đại. Nếu bạn chưa thực hiện nghiên cứu của mình, việc kiểm soát những liên hệ này có thể giống như hành động giữ thăng bằng trên dây – kết quả là, một số công ty lớn đã thất bại. Một số sai lầm đến từ lỗi dịch thuật đơn giản, chẳng hạn như chiến dịch Ford của Bỉ đã được dịch từ “mọi chiếc xe đều có một phần thân chất lượng cao” thành một bản dịch đáng lo ngại “mỗi chiếc xe đều có một cái xác chất lượng cao”. Một số sai lầm khác đến từ cách người dùng cắt nghĩa hình ảnh: Amazon nhận ra rằng biểu tượng kính lúp mà họ sử dụng để chỉ sự tìm kiếm đã khiến những nhân viên thẩm định chất lượng phần mềm ở Ấn Độ bối rối, họ cho rằng nó trông giống cây vợt bóng bàn hơn. Khi Pampers ra mắt tại Nhật Bản, chương trình khuyến mãi của họ chỉ lặp lại các chiến dịch quảng cáo ở thị trường Mỹ và có hình ảnh những chú cò đỡ đẻ. Ý tưởng về những con chim hoang dã đỡ trẻ sơ sinh không gây được tiếng vang ở Nhật Bản, nơi người ta cho rằng trẻ con được đỡ đẻ bởi những quả đào khổng lồ trôi bồng bềnh. Tác động của marketing thất bại này có thể dẫn đến hậu quả rất lớn — Pampers đã khá chật vật ở Nhật Bản cho đến khi ra mắt một chiến dịch quảng cáo mới. Điều này khiến việc thử nghiệm sản phẩm trước khi chúng lên kệ trở nên quan trọng hơn như cách Amazon đã làm ở Ấn Độ. Đội ngũ đã thực hiện một vài chỉnh sửa nhỏ (ví dụ đính kèm một cửa sổ mô tả bởi thanh tìm kiếm) và kết quả là trang web đã hoạt động tốt.

Các nền văn hóa khác nhau ra sao?

Sự đa dạng giữa các nền văn hóa khác nhau tiếp tục là chủ đề để tranh luận. Fons Trompenaars và Geert Hofstede đã tạo ra những mô hình có sức ảnh hưởng và gần đây Senongo Akpem đã đi sâu vào khía cạnh kỹ thuật số của thiết kế đa văn hóa. Những mô hình này gợi ý rằng các nền văn hóa khác nhau nằm ở những vị trí khác nhau trên các chuỗi khác nhau. Mô hình của Hofstede có các hạng mục như: – Chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa tập thể (chẳng hạn, ở Mỹ, người ta coi trọng tự do cá nhân hơn ở Hàn Quốc, nơi đặt vị trí nhóm lên trên cá nhân) – Sự chắc chắn với sự mơ hồ (người Đức ít hào hứng với những kết quả bất ngờ hơn người Úc) – Sự buông thả với sự kiềm chế (Nigeria chú trọng nhiều hơn vào việc tận hưởng cuộc sống so với Maroc, nơi mà các quy chuẩn xã hội thường khắt khe hơn) – Mục tiêu dài hạn so với mục tiêu ngắn hạn (với Bangladesh, chẳng hạn, tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu trong tương lai hơn là thái độ “sống cho hiện tại” như Colombia) Một số nhà bình luận coi những mô hình này là hạn chế hoặc phụ thuộc vào các khuôn mẫu. Và điều đáng chỉ ra rằng sẽ có nhiều sự khác biệt giữa các cá nhân trong một quốc gia hơn là giữa các quốc gia với nhau. Nhưng những mô hình này vẫn cung cấp một điểm khởi đầu để suy nghĩ về cách mà sản phẩm của bạn có thể được tiếp nhận ở các nền văn hóa khác nhau. Bước tiếp theo đối với bất kỳ công ty nào muốn thành công với thiết kế đa văn hóa là hãy đào sâu nghiên cứu.

Hợp tác và nghiên cứu là rất quan trọng

Bước đầu tiên trong quá trình đi sâu vào các thị trường tiềm năng là tìm ra nơi để thâm nhập vào. Một công ty đa quốc gia với sự hậu thuẫn nghiêm túc có thể đủ khả năng chi ngân sách vào việc nghiên cứu các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. Thay vào đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể chọn một quốc gia duy nhất để thử nghiệm.

Khi bạn đã có một điểm đến hoặc một nhóm văn hóa, hãy tập trung vào nó. Các phương pháp với chi phí thấp như:
– Nghe đài, xem TV, đọc sách và xem phim thuộc nền văn hóa đó.
– Tham quan điểm đến hoặc dành thời gian tìm hiểu các quốc gia có văn hóa liên quan gần đất nước bạn sống.
– Tìm kiếm các cộng tác viên có chuyên môn về văn hóa — việc tìm kiếm trên 99designs có thể giúp bạn phát hiện ra một nhà thiết kế địa phương
– Kết nối với các cộng đồng sáng tạo lớn hơn bằng cách tìm kiếm dự án online truyền cảm hứng cho bạn và tiếp cận chúng trên mạng xã hội
– Trò chuyện với các nhà cung cấp hoặc đối tác địa phương
– Thuê một nhà tư vấn để giúp bạn hiểu sâu hơn về văn hóa và duyệt lại dự án trong quá trình thực hiện.
Tốt hơn hết là nghiên cứu sẽ không chỉ tập trung vào con người mà còn vào cách họ sử dụng một sản phẩm tương tự như sản phẩm của bạn. Họ có sử dụng nó thường xuyên không? Có mang theo nó bên mình? Nếu sản phẩm đó là một ứng dụng, họ chủ yếu sử dụng nó trên điện thoại thông minh, trên máy tính bảng hay máy tính xách tay?

Các bước thực tế để quốc tế hóa

Như chúng tôi đã lưu ý, thiết kế đa văn hóa vốn chỉ là câu chuyện xoay quanh quốc tế hóa (điều chỉnh sản phẩm của bạn để nó có thể di chuyển giữa các nền văn hóa) và bản địa hóa (tạo ra mỗi một mẫu sản phẩm khác nhau cho từng thị trường). Bởi bạn chỉ cần thực hiện cả hai trong cùng một lần nên quá trình quốc tế hóa sẽ tiết kiệm thời gian hơn, nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm:

– Tránh sử dụng các biểu tượng và hình ảnh cụ thể về văn hóa (hình ảnh hộp thư trên các bưu kiện được nhận diện ngay lập tức ở Hoa Kỳ, nhưng lại là hình ảnh xa lạ tại phần còn lại của thế giới)
– Trong nội dung bằng văn bản, đừng đưa ra các giả định về độc giả là ai, họ đến từ đâu, họ bao nhiêu tuổi hoặc họ có nhớ các chương trình truyền hình giống bạn hay không
– Ghép cặp các biểu tượng với văn bản có thể hỗ trợ khả năng đọc hiểu
– Để ý những hình ảnh có thể mang tính khuôn mẫu hoặc gây phản cảm: người mẫu của bạn có được lên đồ theo một phong cách nhất định hoặc bị ép vào một tính sắc tộc nhất định không? Những bộ phận cấm kỵ trên cơ thể như lòng bàn chân có bị phô bày ra không?
– Phông chữ cũng vậy, có thể bị khuôn mẫu: phông Neuland là một khuôn mẫu về “bộ lạc”, trong khi Fraktur gợi lên tính “phát xít” rõ ràng bên trong.
– Lựa chọn màu sắc để không gây ra những liên tưởng tiêu cực đối với thị trường chính của bạn
– Nếu bạn đang dịch văn bản, hãy nhớ để thêm không gian thừa trong thiết kế của mình (so sánh “new” trong tiếng Anh với “nuevo” trong tiếng Tây Ban Nha và “nouveau” trong tiếng Pháp)
– Nếu văn bản của bạn được viết bằng ngôn ngữ thứ hai của khách hàng, họ sẽ được hỗ trợ bởi từ ngữ và cấu trúc rõ ràng — các trang tóm tắt và nội dung cũng có thể làm được điều đó.

Ranh giới giữa bản địa hóa và quốc tế hóa đang được xóa nhòa. Công ty của bạn có thể quốc tế hóa một sản phẩm trong khi vẫn để tâm đến thị trường chính của mình, trước khi chuyển sang một chương trình bản địa hóa toàn diện hơn.

Cách bản địa hóa vận hành

Cộng tác và nghiên cứu đặc biệt quan trọng nếu doanh nghiệp bạn đang bản địa hóa sản phẩm của mình. Đối với quốc tế hóa, đối phó với các giả định và thành kiến đã in sâu trong tiềm thức là bước quan trọng đầu tiên. Nhưng ở đây, thay vì khiến cho thiết kế và bao bì của bạn linh hoạt để nó có thể vận hành trơn tru mà không gặp khó khăn trong các bối cảnh văn hóa khác nhau, bạn sử dụng các khía cạnh của văn hóa và sở thích trong giao tiếp của thị trường mục tiêu để giúp sản phẩm của bạn trở nên thu hút.

Sau đây là những điều cần cân nhắc:
– Xem xét các mô hình chung như Hofstede’s và cả nghiên cứu của riêng bạn
– Lưu ý những khác biệt văn hóa có liên quan nhất đến sản phẩm của bạn để thiết kế xoay quanh chúng.
– Xem xét cách khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn (hoặc đối thủ của bạn) tại thị trường mục tiêu, nhằm tìm hiểu để đáp ứng nhu cầu. Điều đó có thể là thay đổi toàn bộ sản phẩm của bạn hoặc các thành phần riêng lẻ, định hình lại thương hiệu và bao bì của bạn, điều chỉnh nền tảng kỹ thuật số của doanh nghiệp hoặc xem xét lại hoạt động phân phối.
– Điều chỉnh màu sắc, biểu tượng và hình ảnh để khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn nhất.
– Hãy nhớ rằng các bố cục khác nhau được ưu tiên ở các điểm đến khác nhau: Bố cục của Nhật thường dày đặc hơn các bố cục của phương Tây; và trong thiết kế dàn trang tại Ả Rập, văn bản luôn được căn chỉnh từ phải sang trái.
– Đẩy mạnh marketing với các lễ hội, sự kiện và thời tiết địa phương
– Thử nghiệm, điều chỉnh và tiếp tục thử nghiệm.

Điều cuối cùng có lẽ là điều quan trọng nhất. Thiết kế đa văn hóa không hề dễ dàng nhưng nếu bạn không ngừng rút ra bài học thì cách tiếp cận của bạn sẽ ngày càng cải thiện hơn.

Tại sao thiết kế đa văn hóa lại quan trọng đến vậy?

Thiết kế đa văn hóa thành công liên quan đến việc gác lại các thành kiến và giả định của riêng bạn qua một bên và tạo ra một sản phẩm có thể phát triển mạnh ở các nền văn hóa khác nhau. Bản địa hóa và quốc tế hóa có thể mang lại cho thương hiệu của bạn cơ hội thành công lớn nhất trong các bối cảnh khác nhau. Con đường tiếp cận đến thiết kế đa văn hóa không phải đường một chiều: thay vào đó, nghiên cứu, cộng tác và thử nghiệm sẽ giúp thương hiệu của bạn tìm ra hướng đi đúng đắn trong kỷ nguyên toàn cầu hoá của chúng ta.
Facebook
Email
Print

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập