
Digital Art là một thuật ngữ đơn giản nhưng bao hàm một lĩnh vực rộng lớn. Nó bao gồm mọi thứ từ phác thảo trên điện thoại đến tranh kỹ thuật số, nghệ thuật 8-bit cũ đến công nghệ CGI ấn tượng.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn khám phá thế giới Digital Art một cách đầy đủ và chuyên sâu — từ các định nghĩa cốt lõi đến kỹ thuật thể hiện và dòng chảy lịch sử - trang bị cho bạn những hiểu biết cơ bản để bắt đầu hành trình sáng tạo nghệ thuật số của mình.

KHÁI NIỆM DIGITAL ART
Digital Art là các sản phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng công nghệ kỹ thuật số. Nó bao gồm nhiều loại hình thể hiện từ vẽ tranh, minh họa kỹ thuật số đến ảnh, video và thâm chí là cả điêu khắc. Bất kỳ tác phẩm nào được tạo, chỉnh sửa hoặc hiển thị bằng công nghệ số đều thuộc về Digital Art.
Một số nghệ sĩ có thể tạo bản in vật lý và trưng bày trực tiếp, trong khi những người khác có thể số hóa các tác phẩm vật lý rồi đưa vào môi trường ảo hoặc trực tuyến.
CHƯƠNG TRÌNH DIGITAL ART Ở MONSTER LAB DÀNH CHO
- Những bạn muốn theo đuổi ngành Vẽ minh họa, Concept Art, Game Artist.
- Hay đơn giản là thích vẽ, muốn hoàn thiện kỹ năng của bản thân.
LỢI ÍCH CỦA DIGITAL ART
Digital Art mang lại những lợi ích cụ thể như:
- Tính linh hoạt: Với Digital Art, bạn có thể tạo ra bất cứ thứ gì mà trí tưởng tượng cho phép, từ những cảnh quan huyền ảo đến những nhân vật không tưởng, miễn là bạn có đủ kỹ năng sáng tạo để hiện thực hóa ý tưởng và hiểu biết kỹ thuật để vận dụng các công cụ số một cách hiệu quả. Không như nghệ thuật truyền thống bị giới hạn bởi vật liệu vật lý, Digital Art cho phép bạn thử nghiệm với vô số phong cách, hiệu ứng và kỹ thuật khác nhau chỉ trong một tác phẩm.
- Cải tiến: Nhiều nghệ sĩ sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tác phẩm truyền thống của họ, chẳng hạn như tinh chỉnh các đường nét trong bản vẽ, thêm các lớp màu sắc mới, hoặc tích hợp các hiệu ứng đặc biệt mà không thể thực hiện được bằng phương pháp truyền thống. Công nghệ số cũng cho phép họ lưu trữ nhiều phiên bản khác nhau của cùng một tác phẩm, giúp quá trình sáng tạo trở nên linh hoạt và ít rủi ro hơn khi thực hiện.
- Khả năng tiếp cận: Các loại hình kỹ thuật số đa dạng đã mở rộng khả năng thưởng thức nghệ thuật cho nhiều đối tượng khán giả hơn, từ thiết kế thân thiện với người mù màu, người khiếm thị đến việc tích hợp văn bản cùng với hình ảnh cho sự tương tác trên màn hình hiển thị. Nghệ thuật số còn cho phép điều chỉnh độ tương phản, kích thước và định dạng nội dung linh hoạt, giúp xóa bỏ rào cản vật lý và địa lý, cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận và thưởng thức tác phẩm của bạn ở mọi lúc, mọi nơi.
- Ngân sách: Bạn có thể tạo nghệ thuật số trên hầu hết các thiết bị kỹ thuật số di động hoặc máy tính xách tay hiện đại… mà không cần liên tục mua sắm và bổ sung vật liệu nghệ thuật vật lý tốn kém như sơn, cọ vẽ, giấy vẽ hoặc canvas. Chi phí ban đầu cho phần cứng và phần mềm có thể cao hơn, nhưng về lâu dài, Digital Art thường tiết kiệm hơn nhiều so với các phương pháp nghệ thuật truyền thống, đặc biệt đối với những người sáng tạo thường xuyên hoặc chuyên nghiệp.
- Hiệu quả: Nếu mắc lỗi trên tác phẩm vật lý, bạn có thể phải bắt đầu lại từ đầu hoặc tốn thời gian sửa chữa tỉ mỉ. Với tác phẩm kỹ thuật số, bạn chỉ cần một lệnh hoàn tác đơn giản để sửa chữa. Các công cụ số còn cho phép bạn làm việc theo lớp, dễ dàng chỉnh sửa từng thành phần riêng biệt mà không ảnh hưởng đến toàn bộ tác phẩm, giúp quá trình sáng tạo trở nên hiệu quả và ít căng thẳng hơn.
- Thẩm mỹ: Digital Art mở ra vô số cơ hội sáng tạo bằng các phương tiện 2D hoặc 3D, với công cụ đa dạng đáp ứng hầu hết mọi ý tưởng sáng tạo mà bạn muốn thực hiện. Nghệ thuật số cho phép nghệ sĩ khám phá các hiệu ứng ánh sáng, màu sắc, kết cấu và hình dạng một cách chi tiết và phong phú và dễ thực hiện hơn với nghệ thuật truyền thống. Không chỉ có thể tạo ra các tác phẩm với độ chính xác cao, nghệ thuật số còn cho phép người sáng tạo dễ dàng thử nghiệm với các phong cách độc đáo và kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau trong cùng một tác phẩm.
- Không gian và chất thải: Nghệ sĩ truyền thống thường cần một studio rộng rãi để chứa đầy đủ các tác phẩm, vật liệu và dụng cụ, đồng thời phải đối mặt với vấn đề xử lý chất thải từ sơn, dung môi và các vật liệu không sử dụng hết. Ngược lại, với Digital Art, bạn chỉ cần một không gian nhỏ gọn cùng với một máy tính bảng hoặc laptop và có thể tạo ra những tác phẩm phức tạp ngay tại bất kỳ đâu mà không phải lo lắng về việc dọn dẹp bề bộn hay xử lý rác thải hóa chất độc hại cho môi trường.
- Tốc độ: Chuyển đổi giữa các công cụ và màu sắc chỉ trong vài cú nhấp chuột, không cần lo lắng về việc làm đầy lại bảng màu, rửa cọ hoặc đợi sơn khô. Quy trình làm việc kỹ thuật số cho phép nghệ sĩ thực hiện các thay đổi tức thì, hoàn tác các lỗi ngay lập tức và tạo ra nhiều phiên bản của cùng một tác phẩm trong thời gian ngắn hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Digital Art (Nghệ thuật số) vs Nghệ thuật truyền thống
Khi Digital Art ngày càng phổ biến, đã có nhiều tranh luận về ưu và nhược điểm của Digital Art so với nghệ thuật truyền thống.
Digital Art
- Tác phẩm nghệ thuật số có thể được tiếp cận từ bất kỳ vị trí nào trên toàn cầu thông qua các nền tảng trực tuyến, không cần bạn phải đến phòng trưng bày vật lý để thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật gốc.
- Digital art, như tên gọi, lấy công nghệ số làm nền tảng cốt lõi trong quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng công nghệ số và phương pháp truyền thống không loại trừ nhau - trên thực tế, chúng thường được kết hợp để tối ưu hóa quá trình sáng tạo nghệ thuật.
- Khác với nghệ thuật truyền thống, Digital Art thường không tồn tại "bản gốc" theo cách hiểu thông thường. Nghệ sĩ số thiết kế tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số với mục đích chính là phục vụ cho việc nhân bản hoặc in ấn đa phương tiện.
- Digital art tích hợp được nhiều phương pháp truyền thống vào môi trường kỹ thuật số hiện đại. Một nghệ sĩ số chuyên nghiệp có thể ứng dụng kỹ thuật vẽ tương tự như trên canvas vật lý, nhưng với lợi thế tiếp cận đa dạng công cụ số như bảng màu không giới hạn, các hiệu ứng chuyên nghiệp, hệ thống phân lớp (layers) và nhiều tính năng nâng cao khác - những yếu tố vượt xa khả năng của phương pháp nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên nghệ thuật số phụ thuộc vào khả năng giả lập của các công cụ phần mềm nên việc đạt được những hiệu ứng như các tác phẩm truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế.
Nghệ Thuật Truyền Thống
- Các bản scan và ảnh chụp của tác phẩm gốc có thể được xem trên các nền tảng trực tuyến, tuy nhiên chúng được coi là phiên bản kỹ thuật số thứ cấp khi so sánh với tác phẩm hữu hình do nghệ sĩ truyền thống sáng tạo.
- Tương tự, nghệ thuật truyền thống cũng có thể tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào quy trình sáng tạo. Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiện nay sử dụng phần mềm chỉnh sửa kỹ thuật số để hoàn thiện tác phẩm, tuy nhiên họ thường không định vị mình là nghệ sĩ Digital Art trong bối cảnh nghề nghiệp.
- Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, nghệ sĩ thường tạo ra một tác phẩm nguyên bản với mục đích trưng bày, sao chép hoặc phân phối dưới nhiều hình thức. Đáng chú ý là bản gốc này luôn được đánh giá cao hơn về giá trị thẩm mỹ và thương mại so với các bản sao.
- Nghệ thuật truyền thống chịu những hạn chế nhất định từ đặc tính vật lý của nguyên vật liệu sử dụng. Vì vậy, để tạo ra những hiệu ứng tương đương với Digital Art, nghệ sĩ truyền thống thường cần đầu tư nhiều thời gian, kỹ thuật và nguồn lực hơn đáng kể. Tuy nhiên có khá nhiều hiệu ứng vật lý phức tạp không thể được giả lập trên các phương tiện kỹ thuật số nên các tác phẩm nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng và các giá trị riêng biệt.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẮT ĐẦU VỚI DIGITAL ART?
Digital Art có thể được tạo ra bằng nhiều cách, từ các phần mềm như Adobe Photoshop – nơi bạn dễ dàng vẽ và tô màu – đến việc sử dụng các thiết bị di động để quay phim, chụp ảnh, thậm chí là ghi âm, vẽ tranh… Các phương tiện này thường có nhiều định dạng và đi kèm công cụ hỗ trợ chuyên biệt, giúp bạn sáng tạo một cách linh hoạt và độc đáo.
Chọn phần mềm Digital Art
Phần mềm bạn chọn sẽ tùy thuộc vào mục tiêu sáng tạo, ngân sách và sở thích cá nhân.
Chọn thiết bị phần cứng
Tùy thuộc vào loại hình Digital Art bạn muốn tạo, bạn có thể cần các thiết bị thông thường hoặc có cấu hình cao. Nếu là người mới, bạn có thể bắt đầu ngay với chiếc điện thoại thông minh của mình để sáng tạo. Nhưng nếu muốn sử dụng các công cụ và tính năng nâng cao hơn, hãy chọn máy tính bảng, laptop hoặc máy tính để bàn với màn hình lớn hơn.
Thêm vào đó, nếu sử dụng bảng vẽ điện tử, việc trang bị một chiếc bút stylus sẽ giúp bạn vẽ chính xác và mượt mà hơn.
CÁC LOẠI HÌNH DIGITAL ART
Digital Art bao gồm nhiều lĩnh vực phong phú và đa dạng. Khám phá và thử nghiệm các loại hình Digital Art không chỉ giúp bạn định hình phong cách sáng tạo riêng mà còn mở rộng giới hạn sáng tạo của mình. Từ vẽ kỹ thuật số, điêu khắc, hoạt hình đến nghệ thuật thuật toán, bạn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát thế giới sáng tạo trong tầm tay.

Untitled Computer Drawing (1982) – Harold Cohen
Tác phẩm này được tạo ra từ chương trình vẽ của Cohen, với các hình khối trừu tượng nhưng mang tính nhân văn cao. Sau khi chương trình hoàn thành bản vẽ, Cohen tự tay tô màu lên tác phẩm.

Untitled, Computer Assisted Drawing (1975) – Paul Brown
Paul Brown đã sử dụng máy tính để tạo ra một loạt các hoa văn phức tạp. Ông sau đó thành lập Trung tâm nghệ thuật và thiết kế ứng dụng máy tính của Vương quốc Anh vào năm 1984.
Digital Drawing (Vẽ kỹ thuật số)
Digital drawing sử dụng bút stylus và bảng vẽ điện tử thay cho bút chì và sổ phác thảo truyền thống. Tương tự như vẽ tay, digital drawing tập trung vào đường nét và kỹ thuật đánh bóng. Đặc biệt, các tác phẩm này có thể được tạo ra dưới dạng 2D hoặc 3D.
Lịch sử & Những người tiên phong
Bảng vẽ điện tử bắt đầu được sử dụng để kết nối với máy tính từ những năm 1960, với chương trình Sketchpad của Ivan Sutherland. Đây là bước đầu tiên dẫn đến sự ra đời của phần mềm thiết kế hỗ trợ bởi máy tính (CAD) hiện đại.
Một trong những người tiên phong trong lĩnh vực digital drawing là Harold Cohen, người đã tạo ra chương trình vẽ AARON. Chương trình này sử dụng robot để làm ra các tác phẩm nghệ thuật, và từ những năm 1970–1980, AARON đã chuyển từ vẽ các hình dạng trừu tượng sang những tác phẩm có tính đại diện rõ ràng hơn.
Năm 1987, Adobe Illustrator được phát hành trên hệ điều hành Macintosh, mang đến khả năng thiết kế những đường cong vector mượt mà và chi tiết, nhờ vào các điểm điều khiển toán học.
Đến thập niên 1990, khi phần mềm máy tính phát triển mạnh mẽ, các tính năng như layering (phân lớp) và thiết kế 3D đã mở rộng đáng kể không gian sáng tạo và sự linh hoạt cho các nghệ sĩ kỹ thuật số.
Ưu điểm của Digital Drawing
- Kết hợp sự chân thực và tính linh hoạt: Digital drawing cho phép vẽ tay tự do nhưng có thể dễ dàng thêm chi tiết, màu sắc và các lớp (layers).
- Chính xác và kỹ thuật cao: Được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như minh họa, thiết kế kỹ thuật, mô hình hóa.
- Tiện lợi và tối ưu: Có thể chỉnh sửa, sao chép và lưu trữ dễ dàng mà không sợ làm hỏng bản gốc.
Công cụ & phần mềm Digital Drawing
Ngày nay, nghệ sĩ có rất nhiều lựa chọn công cụ và phần mềm để sáng tạo Digital Art:
- Adobe Illustrator: Hỗ trợ tạo từ bản vẽ tay tự do đến đồ họa vector chuyên nghiệp.
- Phần mềm CAD & 3D: Chuyên dụng cho bản vẽ kỹ thuật và điêu khắc kỹ thuật số.
- Ứng dụng trên điện thoại: Các app phác thảo giúp bạn ghi lại ý tưởng mọi lúc, mọi nơi.
Dù bạn là người mới hay chuyên gia, việc lựa chọn công cụ phù hợp sẽ giúp bạn khai phá tối đa tiềm năng sáng tạo của mình!
Digital Painting (Hội họa kỹ thuật số)
Trong hội họa truyền thống, họa sĩ dùng cọ để tạo hình và màu sắc, người vẽ phác thảo dùng bút chì hoặc bút mực để tạo đường nét và đổ bóng. Digital painting tái tạo những hiệu ứng này bằng công nghệ.
Trong Digital Painting, ranh giới giữa vẽ và tô màu không còn rõ ràng. Khi sử dụng bút stylus trên bảng vẽ điện tử, nghệ sĩ có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hai kỹ thuật này.

Animation
Một trong những bộ phim animation đầu tiên là A Computer Generated Hand (1972) của Edmund Catmull và Fred Parke. Họ đã mô hình hóa một bàn tay bằng đa giác (polygons) và lập trình để nó di chuyển trên màn hình.
Sau này, Catmull trở thành đồng sáng lập Pixar, studio tiên phong trong lĩnh vực phim hoạt hình kỹ thuật số.
Pixel Art
Pixel art được tạo ra bằng phần mềm, sử dụng các điểm ảnh nhỏ (pixel). Nó thường liên quan đến đồ họa 8-bit và 16-bit, phổ biến trong các trò chơi cổ điển như Pac-Man và Mario.
Ngày nay, nhiều nghệ sĩ vẫn sáng tạo pixel art và chia sẻ trên Behance và mạng xã hội.


Concept Art
Concept art là hình thức vẽ phác thảo giúp định hình hình ảnh cho phim ảnh và trò chơi điện tử. Nó bao gồm thiết kế nhân vật, trang phục, bối cảnh và các yếu tố thị giác khác.
Đây là công đoạn quan trọng giúp các nhà sáng tạo phát triển thế giới trong game và phim.
Algorithmic Art
Algorithmic art là nghệ thuật được tạo ra bằng thuật toán. Nghệ sĩ lập trình các quy tắc cho máy tính, và máy tính sẽ tạo ra tác phẩm dựa trên những quy tắc đó.
Cách làm này giúp tạo ra những tác phẩm độc đáo nhưng cũng có nghĩa là nghệ sĩ không hoàn toàn kiểm soát kết quả cuối cùng.


Photography
Máy ảnh kỹ thuật số và phần mềm chỉnh sửa giúp nhiếp ảnh gia dễ dàng thao tác và sáng tạo với hình ảnh hơn.
Bức ảnh kỹ thuật số đầu tiên ra đời năm 1957, và từ đó, các công cụ như Adobe Photoshop đã mở rộng khả năng sáng tạo, từ ảnh siêu thực đến hiệu ứng glitch.
Video Art
Những năm 1990, công nghệ chỉnh sửa kỹ thuật số giúp các nhà làm phim có thể biên tập và sáng tạo video trên máy tính.
Ngày nay, nhiều nghệ sĩ video đã trở thành đạo diễn phim, như Steve McQueen, hay sáng tạo nhân vật CGI độc đáo như Ed Atkins.
Video art tiếp tục phát triển, và với công cụ đơn giản như Adobe Express, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu.
