Thiết kế đồ họa là một lĩnh vực có tuổi nghề tương đối trẻ tại Việt Nam. Trong khoảng 20 năm gần đây, mọi người mới dần làm quen với thuật ngữ này, trước đây, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa “đồ họa” và “họa sĩ”. Người ta thường nghĩ rằng những người thiết kế đồ họa chỉ là những người ngồi vẽ tranh và sáng tạo nghệ thuật mà không làm việc ở bất kỳ đâu.
Tuy nhiên, liệu thiết kế đồ họa có giống với những gì mọi người thường nghĩ? Và liệu những người làm thiết kế đồ họa có phải là những “họa sĩ”?
1. Nghề Thiết kế đồ họa là gì?
Thiết kế đồ họa là quá trình tạo ra các hình ảnh và tác phẩm ứng dụng thông qua việc sử dụng các phương tiện trực quan để truyền đạt thông tin, ý tưởng hoặc thông điệp cụ thể. Đây là sự kết hợp giữa sáng tạo và kiến thức về các yếu tố như màu sắc, hình dáng, văn bản và hình ảnh để tạo nên một sản phẩm hấp dẫn và có khả năng giao tiếp hiệu quả với người xem.
Người làm thiết kế đồ họa không chỉ tạo ra những tác phẩm đẹp mắt mà còn phải thực hiện các công việc như thu thập thông tin, phân tích đối tượng mục tiêu và tìm giải pháp sáng tạo dựa trên những yếu tố này. Thiết kế đồ họa có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm:
- Thiết kế sản phẩm
- Quảng cáo
- Đồ họa truyền thông
- Thiết kế giao diện người dùng
- Đồ họa đa phương tiện
2. Người làm thiết kế đồ họa với họa sĩ khác gì nhau?
Trong khi các họa sĩ thường làm việc một cách độc lập và tự do sáng tạo, thì nhà thiết kế đồ họa thường phải tương tác và hợp tác với nhiều phòng ban để đảm bảo rằng sản phẩm của họ phù hợp với đối tượng mục tiêu. Nhà thiết kế cần kết hợp sự sáng tạo với công nghệ hiện đại để tạo ra những tác phẩm chất lượng cao và có thể tiếp cận được với đông đảo người dùng.
Trong khi họa sĩ chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cho một nhóm nhỏ người hiểu biết và cảm nhận về nghệ thuật, nhà thiết kế đồ họa lại hướng đến việc phục vụ số đông khách hàng và truyền tải thông điệp tới nhiều người.
3. Sự phát triển của nghề thiết kế đồ họa trong thời đại mới
Trong những thập kỷ gần đây, thiết kế đồ họa đã phát triển vượt bậc nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và phần mềm tiên tiến. Sự phát triển của công nghệ, phần mềm và cách thức truyền thông đã thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực này. Hiện nay, nhà thiết kế có thể làm việc trên nhiều nền tảng khác nhau như:
- Thiết kế ứng dụng di động
- Thiết kế website
- Thiết kế giao diện người dùng
- Thiết kế đa phương tiện
- Thiết kế thực tế ảo (VR)
Công nghệ liên tục thay đổi, và người thiết kế đồ họa cần phải cập nhật kiến thức và kỹ năng của mình để sử dụng những công cụ mới và tận dụng những tiềm năng mới. Điều này yêu cầu họ học hỏi và thích nghi với nhiều kỹ năng và công nghệ khác nhau.
4. Vai trò của AI đối với nghề thiết kế đồ họa
Sự xuất hiện và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành thiết kế đồ họa. AI có thể hỗ trợ xử lý hình ảnh, video, phân tích dữ liệu và tự động hóa một số nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thiết kế đồ họa bởi:
- Sự sáng tạo và ý tưởng mới: AI có thể hỗ trợ trong việc thu thập dữ liệu và xử lý theo mẫu có sẵn, nhưng khả năng tạo ra ý tưởng sáng tạo và độc đáo vẫn nằm ở con người.
- Hiểu biết về văn hóa và tâm lý: Thiết kế không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là nghệ thuật phản ánh văn hóa và tâm lý của đối tượng mục tiêu, điều mà AI khó có thể làm tốt như con người.
- Quyết định về thẩm mỹ: Những lựa chọn liên quan đến màu sắc, hình dáng và trải nghiệm người dùng đều đòi hỏi con người đưa ra quyết định dựa trên cảm nhận cá nhân và kiến thức thẩm mỹ.
- Chất lượng sản phẩm: AI cần một nguồn dữ liệu ban đầu để cắt ghép thành tác phẩm cuối cùng, nhưng nếu nhưng nguồn ảnh ban đầu đó có chất lượng thấp thì sản phẩm cuối cũng không thể sử dụng vào in ấn được, chưa kể đến bản quyền của hình ảnh gốc cũng là một vấn đề mà AI chưa thể giải quyết được.
Để AI vận hành, cần sự nhập dữ liệu và điều chỉnh từ phía con người, AI không thể tự nghĩ ra và quyết định các vấn đề đó.
Với những bản AI gần đây, còn đang gặp rất nhiều vấn đề, con người ra lệnh cho AI nhưng kết quả nhận về vẫn chưa thật sự như mong muốn, hoặc phải mất rất nhiều thời gian để ra lệnh cho AI làm đúng. Hiện tại, những tác phẩm làm bằng AI có thể mang tính phác thảo hoặc ý tưởng thì hợp lý. Nhưng khi công nghệ ngày càng phát triển, có thể mọi thứ sẽ vận hành một cách trôi chảy và nhanh chóng hơn.
Nhưng như vậy không có nghĩa là những nhà thiết kế có thể luôn tự đắc về bản thân mình, chúng ta phải nhìn nhận thấy được lợi ích thật sự mà AI có thể mang đến và sử dụng nó. Các nhà thiết kế cần luôn luôn học hỏi, cập nhật các xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực này để không bị lạc hậu. Hiểu biết về cách hoạt động của công nghệ AI có thể giúp nhà thiết kế tương tác tốt hơn với các công cụ AI. Điều này bao gồm việc tạo dữ liệu đào tạo, tùy chỉnh các mô hình AI và hiểu rõ cách sử dụng chúng để tạo ra những tác phẩm tốt nhất.
AI là một công cụ, nó không thể thay thế con người, nó sinh ra để giúp ích cho con người, nhưng nếu con người không chịu thay đổi, sử dụng nó và tiến bộ lên, thì sẽ khiến cho công việc trở nên mất thời gian và kém hiệu quả hơn thôi!
Kết luận
Nghề thiết kế đồ họa không phải là nghề “vô dụng” trong thời đại công nghệ mà ngược lại, nó đang ngày càng phát triển và mở ra nhiều cơ hội. Sự sáng tạo và khả năng tiếp cận công nghệ mới chính là chìa khóa để những nhà thiết kế tiếp tục phát triển và đóng góp giá trị cho ngành công nghiệp sáng tạo. Học hỏi và cập nhật liên tục sẽ giúp các nhà thiết kế đồ họa luôn giữ vững vị trí của mình, ngay cả trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ.
Responses