Gian lận trong nghệ thuật: Ranh giới nằm ở đâu?

Facebook
Email
Print

“Đây không phải là nghệ thuật chân chính, chỉ là mánh khóe thôi!” – Có lẽ bạn đã từng nghe ai đó nói như vậy. Nhưng gian lận trong nghệ thuật có nghĩa là gì? Liệu có tồn tại khái niệm gian lận trong một lĩnh vực vốn dĩ tự do và đầy tính biểu đạt như nghệ thuật? Và nếu có, đâu là ranh giới giữa sáng tạo trung thực và hành vi thiếu thành thật?

Liệu đi lại nét có bị coi là gian lận? Vẽ theo ảnh có sai không? Còn việc dùng một vài thủ thuật kỹ thuật số để tăng tốc quá trình hoàn thiện tác phẩm – có còn được tính là nghệ thuật? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá sâu hơn về khái niệm “gian lận” trong nghệ thuật – để hiểu rõ điều gì thực sự định nghĩa một nghệ sĩ chân chính trong thời đại mà công cụ hỗ trợ sáng tạo ngày càng đa dạng và quyền năng.

Có một thực tế rằng: Người làm nghệ thuật thì ít, nhưng người thích lên tiếng chê bai lại nhiều. Giống như bạn không cần là đầu bếp để chê một món ăn, bạn cũng không cần là họa sĩ để nhận xét một bức vẽ. Vấn đề là: mỗi người một khẩu vị, và cũng như nghệ thuật – không ai cảm nhận giống ai. Có người khen tác phẩm của bạn là xuất sắc, người khác lại chê là thảm họa.

Vậy thì làm sao để biết bạn đang đi đúng hướng? Làm sao để biết điều bạn đang làm là “sáng tạo” hay “gian lận”?

Chỉ có một cách duy nhất: câu trả lời nằm ở chính bạn

Và bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách để làm điều đó.

I - GIAN LẬN LÀ GÌ? TẠI SAO NÓ BỊ GHÉT ĐẾN VẬY?

Nghe có vẻ là một câu hỏi… dư thừa. Ai mà chẳng biết gian lận là gì, đúng không? Nhưng hãy thử nhìn kỹ hơn một chút, qua cách định nghĩa của Wikipedia:

“Gian lận là việc đạt được phần thưởng cho năng lực, hoặc tìm cách thoát khỏi tình huống khó chịu bằng những phương thức thiếu trung thực. Nó thường được hiểu là hành vi phá vỡ quy tắc nhằm tạo ra lợi thế không công bằng trong môi trường cạnh tranh.”

Theo định nghĩa này, để một hành vi được gọi là “gian lận”, thì cần hội tụ đủ ba yếu tố:

  1. Phần thưởng hoặc lợi thế,
  2. Phương thức thiếu trung thực / phá vỡ quy tắc,
  3. Bối cảnh cạnh tranh, bởi nếu không có ai khác để “lấn át” thì cũng không thể gọi là gian lận.

Ví dụ, một người chơi poker được xem là gian lận nếu họ cố tình phá luật để thắng, và từ đó có lợi thế không công bằng so với những người chơi tuân thủ luật.

Vậy trong nghệ thuật – một lĩnh vực vốn không có luật lệ rõ ràng hay bảng điểm chấm điểm ai giỏi hơn ai – ta có thể áp dụng khái niệm “gian lận” như thế nào?

Hãy cùng phân tích từng yếu tố một, để xem “gian lận trong nghệ thuật” liệu có thực sự tồn tại – hay chỉ là cái nhãn dán do người ngoài áp đặt?

Phần thưởng & Lợi thế – Nghệ thuật không chỉ đẹp, mà còn “có giá”

Một tác phẩm đẹp có thể mang đến cho người sáng tạo rất nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ. Nếu bạn tạo ra tác phẩm để được người khác trầm trồ, thì những lời khen đó chính là phần thưởng. Là con người – loài sống theo cộng đồng – chúng ta được “lập trình” để thấy vui khi được công nhận. Cảm giác hạnh phúc khi được khen ngợi chính là thứ thôi thúc nhiều người chạm đến thành công, dù mỗi người định nghĩa thành công theo một cách khác nhau.

Khi ai đó ghen tị với bạn, hay ngưỡng mộ bạn – đó là tín hiệu rất rõ ràng rằng bạn đã tạo ra thứ có giá trị.

Nhưng nghệ thuật không chỉ có phần thưởng tinh thần. Còn có cả phần thưởng vật chất: TIỀN!

Tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn có thể đem bán, hoặc trở thành bằng chứng cho năng lực khi bạn đi nhận job mới. Và tất nhiên, không phải tác phẩm nào cũng có giá như nhau – nếu bạn muốn sống bằng nghề vẽ, mục tiêu rõ ràng là tạo ra những tác phẩm có giá trị cao.

Và nếu bạn làm điều đó nhanh hơn người khác, thì đó chính là một lợi thế. Trong thế giới thật, khách hàng sẵn sàng trả cao hơn cho người không chỉ vẽ đẹp, mà còn vẽ nhanh và hiệu quả.

Cạnh tranh – Khi nghệ thuật trở thành cuộc chơi có người thắng, kẻ thua

Ở đâu có giá trị, ở đó có cạnh tranh. Một tác phẩm chỉ được xem là “tốt” khi nó có thể được so sánh với những tác phẩm kém hơn. Nếu ai cũng dễ dàng nhận được lời khen, thì sự ngưỡng mộ cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.

Trong ngành sáng tạo, điều này càng rõ rệt: khách hàng chỉ thuê được một số người nhất định, và họ sẽ chọn những ai tốt nhất trong khả năng chi trả – phần còn lại, dù cố gắng đến đâu, cũng có thể bị bỏ qua.

Cách duy nhất để làm nghệ thuật mà không rơi vào vòng xoáy cạnh tranh là: vẽ chỉ để dành cho chính mình. Không chia sẻ, không mong ai thấy, không kỳ vọng vào lời khen hay phần thưởng nào từ bên ngoài. Nhưng thực tế là – nếu bạn thật sự không quan tâm đến phản hồi của người khác, bạn sẽ chẳng cần đăng tải tác phẩm lên bất kỳ đâu.

Một khi bạn muốn người khác nhìn thấy, muốn nhận được sự đánh giá, muốn có cơ hội – thì đồng nghĩa với việc: bạn đã bước vào một cuộc cạnh tranh nào đó. Dù ngầm hay công khai, dù nhỏ hay lớn – nó vẫn là một cuộc chơi có “sàn đấu”.

Gian lận – Khi phần thưởng không đến từ nỗ lực mà đến từ “lách luật”

Có một lý do khiến sự thiếu trung thực vẫn tồn tại, bất chấp mọi quy tắc: nó đem lại lợi ích. Trong một nhóm cùng làm việc, mọi người đều hưởng lợi khi chơi đẹp. Nhưng nếu chỉ một người phá luật, người đó có thể thu được lợi ích lớn hơn tất cả, dù làm ít hơn hoặc không đúng cách. Làm đúng thì có lợi – nhưng làm sai mà không ai biết lại có thể lợi hơn.

Trong một số tình huống, việc gian lận rất dễ nhận ra. Ví dụ, trong poker, nếu một người dùng mánh bị cấm để chiến thắng, họ không chỉ gian lận, mà còn phá vỡ toàn bộ tinh thần của trò chơi – nơi chiến thắng nên thuộc về người có kỹ năng hoặc may mắn. Khi bạn gian lận, bạn không thắng đúng nghĩa, nhưng vẫn ôm phần thưởng như người thắng thực thụ.

Và đó là lý do vì sao gian lận khiến người khác khó chịu – đôi khi là tức giận thực sự.

Nếu bạn là người chơi, bạn thấy bất công. Bạn chơi đúng luật, cố hết sức – trong khi kẻ gian lận không bị ràng buộc bởi luật nào cả. Làm sao bạn đua với một người đứng sẵn gần vạch đích? Nỗ lực của bạn lập tức trở thành… vô nghĩa.

Nếu bạn là người trao thưởng, sự thất vọng lại đến từ một nỗi đau khác: sự ngưỡng mộ bị đặt nhầm chỗ. Lòng ngưỡng mộ là thứ quý giá – bạn không dành nó cho tất cả mọi thứ. Nên khi phát hiện thứ bạn từng ca ngợi thực chất không “xứng đáng”, cảm xúc đó dễ dàng biến thành khinh thường, dù bản thân tác phẩm không hề thay đổi.

Nói cách khác: gian lận làm vỡ niềm tin – cả trong người chơi và người chiêm ngưỡng.

II - LUẬT LỆ TRONG NGHỆ THUẬT

Giờ thì bạn đã hiểu vì sao gian lận trong nghệ thuật lại gây tranh cãi: khi có phần thưởng và có cạnh tranh, những ai đạt được lợi ích bằng cách “lách luật” sẽ bị cho là thiếu trung thực. Nhưng khoan đã – “luật” nào đang bị phá vỡ trong nghệ thuật? Những “quy tắc” nào mà người ta bảo là phải tuân theo để không bị xem là gian lận?

Trong thể thao hay trò chơi đối kháng luôn có luật thành văn, ai phá luật là phạm lỗi. Nhưng với nghệ thuật, mọi thứ… mơ hồ hơn nhiều. Nghệ thuật không có luật chính thức. Không ai sinh ra nghệ thuật cùng với bộ quy tắc kèm theo. Thậm chí, ngay cả định nghĩa về “nghệ thuật” cũng chưa bao giờ thật sự thống nhất.

Vậy thì luật trong nghệ thuật được hiểu như thế nào:

— Tác phẩm phải đẹp?

— Phải nhanh?

— Phải kể chuyện?

— Phải gây xúc động?

— Phải nguyên bản 100%?

— Phải do tay bạn vẽ, không dùng công cụ nào khác?

— Phải… gì nữa?

Bạn thấy rồi đó – danh sách “nên và không nên” trong nghệ thuật phần lớn đến từ mong đợi cá nhân của người nhìn, chứ không phải một quy chuẩn chung. Vậy nên: gian lận trong nghệ thuật không đến từ nghệ thuật, mà đến từ kỳ vọng của người phán xét.

Nếu bạn tham gia một “cuộc chơi” với luật rõ ràng – bạn tự nguyện theo luật ấy – thì phá luật là gian lận. Nhưng nếu bạn không đăng ký vào cuộc chơi đó, thì bạn không gian lận – bạn chỉ không tham gia mà thôi.

Chạy marathon mà đi xe hơi là gian lận – nhưng nếu bạn không đua, chỉ đi chơi quanh đường đua, thì đâu có gì sai? Một “chiêu” bị cấm trong cuộc thi này, lại hoàn toàn hợp lệ ở một sân chơi khác. Không ai có thể – và nên – bắt bạn phải tuân theo luật của tất cả các “trò chơi” cùng lúc.

Nghệ thuật thì không có luật rõ, nhưng sáng tạo thì có một vài “luật ngầm”

Dù nghệ thuật là vùng tự do, hành vi “tạo ra” (creation) thì lại mang theo một số nguyên tắc cơ bản.

Bạn gọi thứ gì đó là “tác phẩm của tôi” – thì vô hình trung bạn đã ngầm nhận mình là người sáng tạo của nó.

Trong ngữ cảnh này, có hai yếu tố cần rõ ràng:

  1. Tạo tác thủ công (manual creation): Nét vẽ, đường cọ phải do chính tay bạn tạo ra.
  2. Tạo tác trí tuệ (intellectual creation): Ý tưởng, bố cục, thông điệp – phải là do bạn nghĩ ra.

Thông thường, khi tạo ra tác phẩm, cả ý tưởng lẫn quá trình thực hiện đều thuộc về nghệ sỹ – trừ khi bạn nói rõ điều gì là của mình. Ví dụ:

– Làm theo hướng dẫn từng bước? Bạn là người vẽ, nhưng không phải người nghĩ.

– Bạn đưa người khác bản phác thảo và chỉ họ cách vẽ? Lúc này bạn là người nghĩ, nhưng không phải người vẽ.

Như vậy, trong thế giới nghệ thuật: có những luật chủ quan đến từ người xem, và có những “luật ngầm” khách quan hơn đến từ khái niệm về sáng tạo. Cả hai đều có thể dẫn đến phán xét: bạn đang sáng tạo hay đang gian lận?

Và trong phần tiếp theo, hãy cùng nhìn vào một số tình huống cụ thể thường gây tranh cãi – để xem điều gì thực sự là không trung thực, và điều gì chỉ đơn giản là một cách sáng tạo khác.

1- ĐI LẠI NÉT

Cách nhanh nhất để có được cảm giác “tạo ra một thứ gì đó trông thật nghệ” chính là đi lại nét từ một bức ảnh hoặc tác phẩm có sẵn. Chỉ cần đặt giấy lên ảnh, và đi theo những đường nét hiện rõ phía dưới – bạn đã có thể hoàn thành một “tác phẩm của mình” gần như hoàn toàn tự động, mà không cần đưa ra bất kỳ quyết định sáng tạo nào.

Dù việc đi lại nét trên cửa sổ hay bàn sáng có thể khiến bạn mỏi tay, thì nó vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc dành hàng năm trời học cách dựng hình, quan sát và phối cảnh.

Khi nào nó trở thành gian lận?

Khi bạn đi lại nét để nhận lời khen.

Nếu mục đích của bạn không phải là học hỏi mà là để đăng lên mạng, nhận like, comment hay lời tán thưởng cho một tác phẩm “trông như pro”, thì đó là gian lận.

Vì thực tế, người xem không đang khen phần bạn làm ra (nét vẽ), mà đang khen bố cục – tỷ lệ – vẻ đẹp thị giác vốn dĩ đến từ người khác. Và bạn biết điều đó. Đó là lý do bạn thường không nói cho ai biết rằng mình đã đi lại nét. Bạn hiểu: nếu họ biết sự thật, một nửa lời khen sẽ biến mất.

Gian lận lúc này là gì?

Là khi có ai đó bị tổn thương – và ở đây, có hai “nạn nhân”:

Bạn đang lấy đi công sức sáng tạo của người khác.

Ai đó đã mất hàng giờ hoặc hàng năm để tạo nên một tác phẩm thu hút. Còn bạn? Bạn chỉ cần sao lại nét vẽ của họ – và nhận về cảm giác của “một nghệ sĩ giỏi”. Nhưng giống như việc chép một bài thơ không biến bạn thành thi sĩ, chép lại đường nét cũng không biến bạn thành người sáng tạo. Bạn đang đóng vai của người khác – để thu về sự ngưỡng mộ không thuộc về mình.

Bạn đang tự hại chính mình.

Vẽ tốt không dễ. Bạn có thể dành cả ngày vẽ một bức mà chẳng ai quan tâm, nhưng chỉ mất 30 phút để đi lại nét một ảnh đẹp và được tung hô. Nhưng chính cảm giác “hái được trái ngọt” đó là thứ ngăn bạn cố gắng học thật sự. Giống như một liều thuốc kích thích ngắn hạn – khiến bạn tạm quên việc phải rèn luyện thực sự.

Đi lại nét không dạy bạn nhiều. Trẻ con cũng có thể làm được vì nó đơn giản: đặt bút lên vùng tối và đi theo. Bạn không cần phải tư duy – hình cứ thế mà hiện ra. Nhưng vẽ thật sự thì ngược lại: bạn phải suy nghĩ, phải chọn lựa, và phải chấp nhận sai lầm. Đó là cách bạn học.

Đi lại nét chỉ giúp bạn giỏi hơn trong việc… đi nét. Nó không dạy bạn tạo hình, không giúp bạn hiểu ánh sáng, không rèn kỹ năng sáng tạo. Và điều nguy hiểm là: nó ngốn thời gian bạn đáng lẽ nên dùng để học thật sự.

Và kể cả khi bạn hoàn thiện tác phẩm sau khi đi lại nét – nó vẫn không hoàn toàn là của bạn.

Bạn có thể dành rất nhiều công sức tô màu, vẽ chi tiết, tạo cảm xúc – nhưng nếu đường nét nền tảng là sao chép, bạn không thể nhận vơ 100% tác phẩm là của mình. Giống như bạn bắt đầu cuộc thi marathon từ giữa đường, rồi chạy hết sức về đích. Có thể bạn đã rất cố gắng – nhưng vẫn có lợi thế không công bằng so với những người chạy từ đầu.

Nếu bạn dùng nét của người khác, hãy xin phép họ.

Nếu bạn đi lại nét từ ảnh của chính mình, hãy nói rõ điều đó.

Vì nghệ thuật không chỉ là thứ bạn làm ra – mà còn là niềm tin giữa bạn và người xem.

Khi không phải gian lận

Nghe có thể lạ, nhưng đi lại nét không phải lúc nào cũng là gian lận. Như mọi khi, tất cả phụ thuộc vào “luật chơi” mà bạn tự đặt ra. Đi lại nét một bức tranh chỉ để giải trí – ví dụ như để tạo một trang tô màu cho riêng mình – hoàn toàn vô hại. Trong trường hợp đó, chẳng ai bị ảnh hưởng, và nó còn có thể là một cách rất hữu ích để trẻ em làm quen với nghệ thuật.

Đi lại nét cũng không vấn đề gì nếu bạn làm vì những mục đích khác, không nhằm chiếm đoạt sự ngưỡng mộ hay lợi ích tài chính từ người khác. Ví dụ, bạn có thể đi lại nét của một tác phẩm rồi tô vẽ theo cách riêng như một cách luyện tập. Dĩ nhiên, bạn không thể công bố tác phẩm đó nếu chưa được sự đồng ý của tác giả, nhưng nó giúp bạn tập trung vào phần mình muốn cải thiện, bỏ qua phần bạn chưa quan tâm lúc này. Việc đi lại nét từ ảnh cũng hoàn toàn hợp lý trong trường hợp này.

Nếu bạn có sự đồng ý của tác giả, ghi nhận rõ ràng và không che giấu việc mình đã đi lại nét, thì chia sẻ tác phẩm là điều hoàn toàn ổn. Không ai bị tổn hại, và cũng không có sự dối trá nào nếu bạn thành thật như vậy. Có thể bạn sẽ không nhận được quá nhiều sự chú ý, nhưng – bạn nhận đúng thứ xứng đáng với mình.

Việc đi lại nét cũng hoàn toàn hợp lệ khi bạn cần sao chép chính xác một vật thể nào đó (và có sự đồng ý của người sở hữu bản quyền hình ảnh). Ví dụ, khi bạn vẽ một bức chân dung hiện thực từ ảnh, việc đi lại nét tỷ lệ khuôn mặt để lấy bố cục chuẩn là điều hợp lý. Không có lý do gì để gọi đó là gian lận – ai cũng có thể đi lại nét một bức ảnh, nhưng để hoàn thiện bức chân dung từ điểm đó mới là phần đòi hỏi kỹ năng, thời gian và công sức thực sự. Nghệ sĩ chuyên nghiệp khác người mới ở chỗ: họ biết làm gì sau khi có bản nét thô từ tracing.

Và cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể đi lại nét từ chính bản vẽ của mình. Nếu bạn đã có một bản phác thảo lộn xộn, bạn hoàn toàn có thể đặt tờ giấy khác lên để đi lại nét gọn gàng hơn. Đây chỉ đơn giản là một kỹ thuật để hoàn thiện tác phẩm – không liên quan gì đến việc gian lận cả.

2- KHI SỬ DỤNG HÌNH ẢNH THAM KHẢO

Ngay cả khi bạn rất tin rằng mình biết rõ một vật thể trông như thế nào, việc vẽ lại nó từ trí nhớ vẫn có thể vô cùng khó khăn. Bạn có thể dễ dàng nhận ra bản vẽ của mình “không giống chút nào” so với hình ảnh trong đầu, nhưng lại không biết nên thay đổi gì để khiến nó trông chân thực hơn.

Cách đơn giản hơn là nhìn trực tiếp vào vật thể – qua thực tế hoặc qua ảnh. Dù vậy, điều này vẫn không dễ như việc can nét: bạn vẫn cần phải chuyển hình ảnh thật sang nét vẽ, sắc độ, và sao chép tỷ lệ sao cho chính xác, đôi khi còn phải thay đổi kích thước ngay trong quá trình vẽ. Có rất nhiều chỗ dễ sai! Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận ra lỗi sai khá nhanh bằng cách so sánh bản vẽ với ảnh tham khảo.

Tuy nhiên, dùng ảnh tham khảo không chỉ đơn giản là sao chép. Chẳng hạn bạn có thể tạo ra một con rồng nguyên bản bằng cách search Google xem vảy thằn lằn và cánh dơi trông ra sao. Nhờ vậy, bạn có thể tạo ra một thứ tưởng như không thật nhưng lại có vẻ cực kỳ thật. Bạn thậm chí có thể vẽ một bức chân dung hiện thực về một người không có thật – bằng cách “mượn” từng đường nét từ các gương mặt nổi tiếng.

Gian lận lúc này sẽ là khi…

Vẽ từ trí nhớ hay trí tưởng tượng luôn được ngưỡng mộ – vì đó là việc vô cùng khó. Ai từng thử vẽ một vật thể quen thuộc mà không nhìn mẫu sẽ hiểu ngay: tưởng dễ nhưng lại khó không tưởng. Vậy nên nếu bạn có thể vẽ một con vật sống động, có biểu cảm tự nhiên, bộ lông sắc nét và dáng đứng chân thực – tất cả chỉ từ trí tưởng tượng, thì đó chẳng khác nào leo lên đỉnh Everest của nghệ thuật. Và lời khen dành cho bạn, chắc chắn sẽ “đỉnh” y như vậy.

Nhưng leo Everest rất, rất khó – và việc vẽ một cách hoàn hảo từ trí nhớ cũng vậy. Vậy nên, phần thưởng ngọt ngào ấy thường vẫn nằm ngoài tầm với. Trừ khi… bạn nói rằng mình không hề dùng ảnh tham khảo. Ai biết được đúng không?

Bất kể bạn đã làm gì với ảnh tham khảo, nếu bạn nói rằng tác phẩm được vẽ “từ trí tưởng tượng” trong khi có dùng mẫu, thì đó là gian lận. Bởi lúc ấy, người xem sẽ tưởng tượng rằng bạn chỉ có một tờ giấy trắng và bộ não – không hề có bất kỳ hình ảnh hỗ trợ nào. Chính điều đó làm cho tác phẩm của bạn trở nên đáng khâm phục. Nhưng nếu không đúng như vậy, thì bạn đang không xứng đáng với lời khen đó.

Vì sao điều đó lại đáng chê trách? Vì để vẽ một cách chân thực mà không cần mẫu, phải luyện tập rất nhiều. Nếu bạn dùng ảnh mà lại giả vờ như không dùng, bạn đang đi đường tắt – cũng giống như một người can nét rồi nhận mình là “họa sĩ chính hiệu”. Bạn lấy về lời khen mà mình chưa thật sự nỗ lực để xứng đáng có.

Ngay cả khi bạn không tuyên bố rằng mình “vẽ từ trí tưởng tượng”, nhưng bản vẽ là bản sao gần như nguyên vẹn của một bức ảnh, thì bạn vẫn cần nói rõ. Nếu bạn che giấu điều đó, người xem có thể bị đánh lừa: họ sẽ đánh giá cả bố cục, ánh sáng, màu sắc hay ý tưởng – những thứ mà thực tế là thuộc về nhiếp ảnh gia. Phần bạn xứng đáng được công nhận là kỹ năng sao chép – vậy thì đừng giấu.

Nói về nhiếp ảnh gia – hãy chắc chắn rằng bạn có sự đồng ý của họ trước khi công bố bản sao chép từ ảnh của họ. Họ hoàn toàn có quyền từ chối. Dù bạn có bỏ công sức đến đâu để vẽ lại, phần lớn nội dung của tác phẩm vẫn đến từ công sức của người khác – và như vậy, nó không hoàn toàn là của bạn. Đó giống như việc bạn chép lại bức Mona Lisa: bạn là người cầm cọ (tác giả kỹ thuật), nhưng không phải là người nghĩ ra nó (tác giả trí tuệ).

Vẽ và sáng tạo có thể là hai việc khác nhau – và bạn cần nói rõ với người xem: tác phẩm của bạn đại diện cho điều nào trong hai điều đó.

Không phải gian lận tức là..

Phần lớn trường hợp, việc dùng ảnh tham khảo hoàn toàn không có gì sai. Thế giới thật là kho tư liệu khổng lồ – và nghệ sĩ chính là người ghi lại thế giới ấy. Vậy thì sao ta phải tự làm khó mình? Nếu bạn muốn vẽ một con chó, hãy đi nhìn một con chó thật – đó không phải gian lận, mà là logic!

Nếu bạn muốn vẽ chân dung một người có thật, thì tất nhiên phải dùng mẫu. Bạn không thể tưởng tượng ra khuôn mặt của họ! Dù là chép lại từ ảnh thì vẫn hoàn toàn hợp lệ. Các bậc thầy thời xưa còn vẽ người mẫu ngồi trước mặt – chẳng ai nói đó là gian lận cả!

Nếu bạn muốn vẽ không cần mẫu để cảm thấy tự do hơn trong sáng tạo, thì trước hết, bạn cần dùng rất nhiều mẫu để hiểu về thực tế. Con chó trông như thế nào? Bạn sẽ vẽ nó ra sao nếu không có hình để nhìn theo? Lúc này, bạn có thể tạo ra các bản nghiên cứu (study) – những bản phác thể hiện cách bạn phân tích hình thể bằng mắt và vẽ lại bằng tư duy. Chẳng hạn, bạn đơn giản hóa hình dáng con chó bằng các khối cơ bản, dễ nhớ. Những bản study như thế chính là bước đệm giúp bạn giảm dần sự phụ thuộc vào tư liệu – và điều đó hoàn toàn công bằng.

Ảnh tham khảo còn đặc biệt hữu ích khi bạn muốn vẽ những cảnh phức tạp. Một con rồng–kỳ lân cưỡi bởi một nữ yêu tinh trong giáp trụ thời trung cổ, tay cầm kiếm – nghe thôi đã thấy có hàng tá thứ cần tra cứu! Bạn có thể chuẩn bị cả bảng ảnh tham khảo cho từng chi tiết: vảy rồng, móng ngựa, áo giáp, tư thế… Khi bắt tay vào vẽ, có thể bạn chỉ chép một số phần, còn lại thì lấy cảm hứng hoặc biến tấu – và điều đó không quan trọng. Bạn đang tạo ra thứ gì đó mới bằng chính kỹ năng của mình, và đó mới là điều khiến người xem ngưỡng mộ, dù bạn có không nhớ nổi móng ngựa trông ra sao.

Bạn cũng hoàn toàn có thể vẽ hoặc tô lại từ ảnh do chính bạn chụp. Khi bạn là nhiếp ảnh gia, thì bố cục, ánh sáng, ý tưởng – tất cả đều là của bạn. Vẽ lại từ ảnh đó hay vẽ trực tiếp ngoài trời (plein air) về bản chất chẳng khác gì nhau – vì toàn bộ nội dung đều đến từ bạn.

Tóm lại: bất kỳ thứ gì bạn vẽ ra bằng ảnh tham khảo đều hoàn toàn hợp lệ, miễn là bạn không tuyên bố rằng mình không dùng chúng. Nếu muốn an toàn tuyệt đối, bạn có thể ghi chú như: “có sử dụng ảnh tham khảo”, “dựa trên ảnh mẫu” – nhưng thật ra điều đó không bắt buộc. Các bậc thầy thời xưa không ghi chú gì cả – nhưng bạn có thể chắc chắn rằng họ đã dùng mọi tư liệu có thể. Và điều đó chẳng làm cho nghệ thuật của họ kém giá trị đi chút nào.

3- KHI SỬ DỤNG PHẦN MỀM VẼ KỸ THUẬT SỐ

Một màn hình máy tính có thể hiển thị bất kỳ hình ảnh nào – và bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra hình ảnh đó bằng cách vẽ nét trên một bảng vẽ chuyên dụng. Những nét vẽ thực tế đó được phần mềm chuyển hóa thành “chì kỹ thuật số” hay “màu kỹ thuật số”, với màu sắc và độ dày được cài đặt theo ý bạn. Và vì đây là chất liệu “ảo”, nó có thể được chỉnh sửa theo những cách không thể làm được với chất liệu thật: bạn có thể thay màu, biến dạng hình, di chuyển nét vẽ đi chỗ khác, hay xóa bỏ mà không để lại dấu vết nào.

Phần mềm vẽ kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay – Photoshop – thực chất là một chương trình chỉnh sửa ảnh. Tuy nhiên, các bộ công cụ và bộ lọc trong đó lại cho phép bạn thay đổi hình ảnh theo vô vàn cách sáng tạo: bạn có thể thêm texture lên da mà không cần tô từng điểm, điều chỉnh độ tương phản của toàn cảnh, thậm chí bóp lại sống mũi trong tranh để sửa tỷ lệ mà không cần vẽ lại.

Bạn có thể tạo clipping mask để màu luôn nằm gọn trong hình, hay dùng một chiếc cọ đặc biệt để vẽ nguyên một khu rừng chỉ bằng một nét duy nhất.

Thế nào là gian lận lúc này?

Vì nghệ thuật số (digital art) nhìn có vẻ “ảo diệu” nên không ít người coi nó là nghệ thuật kém giá trị hơn. Nhiều người cho rằng nghệ thuật truyền thống đòi hỏi nhiều kỹ năng và công sức hơn, còn vẽ số thì phần lớn… máy tính làm hộ. Nếu bạn biết về định kiến này, bạn có thể sẽ muốn giấu đi xuất xứ số hóa của tác phẩm. Nhất là khi chỉ nhìn trên màn hình, không phải ai cũng dễ nhận ra đó là tranh kỹ thuật số hay tranh thật.

Và thế là bạn “vô tình” gửi nhầm tranh kỹ thuật số vào mục tranh truyền thống, hoặc tệ hơn – cố tình gọi nó là tranh vẽ tay để được khen ngợi nhiều hơn. Đó chính là gian lận. Bạn muốn được đánh giá cao vì điều mình không làm ra. Bạn muốn người xem nghĩ bạn đã vất vả hơn thực tế, để họ bỏ qua những lỗi sai – và dành cho bạn sự ngưỡng mộ không xứng đáng.

Gian lận cũng có một kiểu khác: gọi một tác phẩm chỉnh sửa ảnh là tranh kỹ thuật số (digital painting). Đúng, nó là nghệ thuật số – nhưng “painting” (vẽ) mang một định nghĩa khác. Nó ám chỉ quá trình vẽ từng nét bằng tay, từng bước một. Nếu bạn chỉ copy–paste các chi tiết sẵn có, dùng filter và hiệu ứng để gắn chúng thành một bức tranh hoàn chỉnh, thì đó không phải là vẽ. Đừng để người xem tin rằng con chó chân thực kia là do bạn vẽ nên – trong khi nó thực ra chỉ là một bức ảnh được xử lý kỹ xảo.

Không phải gian lận là như nào?

Đúng là nghệ thuật số rất tiện – nó giúp nghệ sĩ thoải mái hơn khi làm việc. Nhưng không có quy tắc nào nói rằng “làm nghệ thuật phải càng khó càng tốt”. Cọ gai sẽ làm bạn vẽ cực hơn, nhưng liệu tranh có đẹp hơn không? Dùng công cụ tiện lợi có phải là sai? Hay chỉ là một lựa chọn hợp lý?

Digital art giúp bạn gỡ bỏ rất nhiều nỗi khổ của người vẽ: bạn có thể “quay ngược thời gian” khi lỡ tay, có thể vẽ trong điều kiện ánh sáng kém, có bảng màu lớn hơn cả khả năng mắt bạn phân biệt. Không phải rửa cọ, không phải pha màu, không phải ngửi mùi dầu – nó làm cuộc sống nghệ sĩ dễ chịu hơn. Nhưng liệu có làm nghệ thuật… dễ hơn?

Thành thật mà nói: cái tư tưởng “tranh kỹ thuật số là do máy tính vẽ” đến từ sự thiếu hiểu biết. Máy tính vẽ tranh cũng như nó viết sách – chỉ hiển thị đúng thứ người dùng yêu cầu. Người dùng là người quyết định mọi thứ. Không một nét nào được tạo ra nếu người dùng không vẽ nó. Máy chỉ cung cấp pixel màu – giống như sơn cung cấp sắc tố.

Để trở thành nghệ sĩ, bạn cần rất nhiều kỹ năng không phụ thuộc vào công cụ. Một người vẽ truyện tranh cần hiểu giải phẫu, chuyển động, biểu cảm, bố cục, phối cảnh, ánh sáng… Dù bạn vẽ bằng bàn sáng truyền thống hay layer kỹ thuật số – kỹ năng vẫn là thứ không đổi.

Đúng là bạn có thể bấm Undo khi sai. Có thể tô một vùng bằng một cú click. Nhưng bạn không thể vẽ một trang truyện bằng cách chỉ click Undo và tô đại màu. Bạn cũng không thể vẽ một bức chân dung hiện thực chỉ bằng cách kéo brush loạn xạ, rồi dán thêm chút texture ảnh.

Bạn không thể trở thành nghệ sĩ kỹ thuật số giỏi nếu bạn không phải là một nghệ sĩ giỏi. Hãy thử tưởng tượng: nếu một bậc thầy xưa được tặng một cây cọ “ma thuật”, có thể biến hình theo ý muốn – bạn nghĩ họ sẽ từ chối vì sợ “gian lận”, hay sẽ hào hứng vì có thể sáng tạo ra những điều chưa từng có?

Cốt lõi của nghệ thuật không nằm ở việc làm điều gì đó cực kỳ khó – mà là biến ý tưởng thành hiện thực. Sử dụng sức mạnh của nghệ thuật số không phải là gian lận – đó là tận dụng mọi công cụ để hiện thực hóa tầm nhìn. Và nếu ai đó cho rằng bạn “gian lận” chỉ vì bạn vẽ một hoàng hôn đẹp bằng công cụ hiện đại hơn cách đây 100 năm – thì điều đó phản ánh quan điểm hạn hẹp của họ, không phải giá trị nghệ thuật của bạn.

4- SỬ DỤNG LƯỚI VẼ

Việc vẽ lại một hình chỉ bằng cách nhìn theo là điều cực kỳ khó. Bạn có thể vẽ được một con mắt, nhưng sau đó sẽ loay hoay không biết đặt con mắt còn lại ở đâu cho đúng khoảng cách. Và vì bạn không muốn đi nét, nên bạn dùng một “mẹo” – kẻ lưới lên ảnh tham khảo, chia hình ra thành các ô nhỏ đều nhau. Sau đó, bạn vẽ lại cùng một hệ lưới trên tờ giấy trắng, và đơn giản là sao chép từng ô một. Vì những vùng nhỏ này dễ nhìn và xử lý hơn, nên bạn có cơ hội cao hơn để giữ đúng tỷ lệ và bố cục tổng thể.

Khi là gian lận

Chỉ khi bạn tuyên bố rằng mình không dùng lưới mà thực chất lại có – thì mới là gian lận!

Khi không phải là gian lận

Thực tế là: dùng lưới hoàn toàn không có gì sai cả. Đây là một phương pháp cực kỳ hữu ích giúp bạn sao chép hình ảnh một cách chính xác. Và cũng chẳng ai quan tâm bạn có dùng lưới hay không – điều khiến người ta ấn tượng vẫn là kết quả cuối cùng: một bức chân dung được tô đậm rõ nét, vẽ bằng chính tay bạn.

Tự căn tỷ lệ mà không dùng lưới có thể đáng ngưỡng mộ, nhưng xét cho cùng, nó chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể ấn tượng của một tác phẩm đẹp. Điều này cũng đúng với các công cụ và kỹ thuật hỗ trợ khác: miễn là bạn không gian lận hay giấu giếm, thì việc dùng mẹo để vẽ nhanh hơn, chính xác hơn là điều hoàn toàn hợp lý.

5- NẾU HỌC VẼ Ở TRƯỜNG NGHỆ THUẬT HAY HỌC TỪ NGƯỜI KHÁC THÌ SAO?

Phải nói thẳng ra: học vẽ không hề dễ. Bạn có thể vẽ mỗi ngày vài tiếng mà kỹ năng vẫn… giậm chân tại chỗ. Tự học thì rất khó nhận ra mình đang sai ở đâu. Nhưng điều tuyệt vời là – bạn không cần phải tự lần mò một mình. Có những trường nghệ thuật được xây dựng với chương trình đào tạo bài bản, bao quát tất cả những gì một nghệ sĩ cần biết. Ở đó, bạn được hướng dẫn bởi người có chuyên môn, lại có thêm động lực từ việc học cùng những người có chung đam mê.

Ngay cả khi bạn không có điều kiện học chính quy, thì vẫn có rất nhiều tài nguyên để bạn học theo cách của riêng mình: tutorial, khóa học online, lời nhận xét từ cộng đồng vẽ trên mạng…

Lúc này bạn gian lận là khi

Chỉ khi bạn nói dối rằng mình chưa từng học từ ai – trong khi thực tế không phải vậy. Mà thực ra… làm gì có ai không học từ ai bao giờ?

Không phải là gian lận là lúc nào?

Vì học vẽ quá khó, nên nhiều nghệ sĩ cảm thấy vô cùng tự hào khi họ có thể vượt qua và đạt đến trình độ hiện tại. Phía sau mỗi bức tranh đẹp là hàng trăm giờ luyện tập, chán nản và tự nghi ngờ bản thân.

Vậy nên, khi có một người học trường nghệ thuật xuất hiện và được mọi người khen ngợi vì vẽ đẹp, một số người tự học cảm thấy bất công:

“Họ học có bài bản, giáo viên kèm cặp – đâu có vật lộn như mình? Họ đâu xứng đáng với sự ngưỡng mộ đó bằng tụi mình!”

Đây là nơi mà định nghĩa “lợi thế không công bằng” – gốc rễ của gian lận – dễ bị hiểu sai nhất. Người tự học có thể cảm thấy như mọi nỗ lực của mình bị đánh đồng với việc… bỏ tiền đi học. Nhưng nghĩ như vậy là rất không công bằng.

Đi học không có nghĩa là được “lập trình sẵn kỹ năng”. Nó vẫn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực – chỉ là con đường rõ ràng và hiệu quả hơn. Họ không tốn thời gian mò mẫm, vì luôn có người hướng dẫn khi cần.

Bạn có thể ghen tị với cơ hội đó, nhưng đừng biến sự ganh tị thành lý do để hạ thấp nỗ lực của người khác. Nếu họ dùng chính kỹ năng của mình để tạo nên tác phẩm đẹp – thì đó không phải gian lận.

Đừng kêu ca chỉ vì họ đi đường ngắn hơn bạn. Hãy để người khác toả sáng mà không cần làm lu mờ ánh sáng của chính mình.

III- VẬY RỐT CUỘC TRANH CÃI GIAN LẬN HAY KHÔNG ĐỂ LÀM GÌ?

Như bạn đã thấy, phần lớn mọi thứ đều được chấp nhận trong nghệ thuật – miễn là bạn trung thực với bản thân và người khác về “luật chơi” mà bạn theo đuổi. Vậy tại sao “gian lận” trong nghệ thuật lại là một vấn đề gây tranh cãi đến thế?

Tôi đã từng nói rằng, người xem là người trao phần thưởng – họ dành cho bạn sự ngưỡng mộ. Nhưng nếu có phần thưởng, thì cũng sẽ có luật để trao phần thưởng đó. Và đáng nói là: luật của bạn không phải lúc nào cũng trùng với luật của người khác.

Ví dụ, nhiều người tin rằng nghệ thuật chỉ đáng ngưỡng mộ nếu nó thật sự khó làm ra. Nếu bạn thừa nhận rằng mình dùng “mẹo” nào đó – dù bạn có vẽ phong cảnh suốt 20 tiếng đi nữa – họ có thể lập tức hạ thấp tác phẩm của bạn. “Bạn dùng layer à? Không giống như họa sĩ truyền thống – vậy là gian lận rồi!”

Nghe có vẻ gay gắt, nhưng thực tế là: bạn không cần quan tâm.

Bạn không thể gian lận trong một cuộc chơi mà bạn không tham gia. Gian lận chỉ xảy ra khi bạn phá vỡ một thỏa thuận. Không có thỏa thuận, thì không có gì để phá vỡ cả. Người khác có thể kỳ vọng đủ điều từ bạn – nhưng bạn không có nghĩa vụ phải đồng ý với họ. Đây là nghệ thuật của bạn, và luật chơi là do bạn đặt ra.

Chỉ bạn mới biết điều gì tạo nên chiến thắng cho chính mình. Và nếu một ngày bạn ở vị trí người “trao thưởng” – người đánh giá – hãy nhớ điều này: đừng ngạo mạn. Đừng cho rằng ai cũng phải theo hệ quy chiếu của bạn. Dù một tác phẩm có trái ngược hoàn toàn với gu hoặc quan điểm của bạn – bạn cũng không có quyền phủ định sự tồn tại của nó. Nghệ thuật không phải là: “Bạn phải làm thế này, nếu không tôi sẽ khinh bạn.” Mà là:

“Nếu bạn muốn tôi ngưỡng mộ, bạn cần làm thế này.”

Nhưng người khác có quyền không cần sự ngưỡng mộ của bạn. Và bạn cũng không nên trừng phạt họ chỉ vì họ không cố làm vừa lòng bạn.

Có vô vàn lý do để yêu một tác phẩm nghệ thuật: ý tưởng, chủ đề, không khí, màu sắc, ánh sáng, thông điệp, thời điểm, sự sáng tạo… Một bức ảnh có thể được yêu thích dù nhiếp ảnh gia không “vẽ” từng sắc độ bằng tay.

Chụp ảnh thì dễ – nhưng để chụp được “tác phẩm”, thì bạn phải là nghệ sĩ. Điều này cũng áp dụng với hội họa: quá trình kỹ thuật không nên che lấp giá trị nghệ thuật thật sự của tác phẩm.

TÓM LẠI

Vậy làm sao để bạn chắc chắn rằng mình đang chơi đẹp trong nghệ thuật?

Hãy thử trả lời ba câu hỏi sau – không chỉ để bạn xác định rõ “gian lận” là gì, mà còn giúp bạn hiểu sâu hơn về chính hành trình sáng tạo của mình, thay vì cố thắng trong mọi cuộc chơi cùng lúc:

1. Phần thưởng của bạn là gì?

Bạn tạo ra tác phẩm này để đạt được điều gì?

– Niềm vui khi hoàn thành?

– Cảm giác tự hào về nỗ lực của mình?

– Cải thiện kỹ năng?

– Truyền đạt một ý tưởng?

– Kiếm tiền từ khách hàng?

– Vẽ bằng màu dầu thật?

– Hay đơn giản là được cộng đồng yêu thích?

2. Luật chơi của bạn là gì?

Bạn cần làm gì để “chiến thắng” trong trò chơi của riêng mình?

– Chỉ cần hoàn thành bức vẽ?

– Nhận được phản hồi tích cực?

– Vượt qua chính mình so với lần trước?

– Học được điều gì mới?

– Thể hiện ý tưởng rõ ràng?

– Đáp ứng yêu cầu của khách hàng hay khán giả?

– Vẽ thật nhanh?

– Hay tạo ra thứ chưa ai từng vẽ?

3. Gian lận – theo bạn – là gì?

Điều gì khiến bạn nhận được phần thưởng mà không xứng đáng?

– Giả vờ rằng mình làm khó hơn thực tế?

– Sao chép tác phẩm của người khác?

– Giấu chuyện dùng công cụ hỗ trợ?

– Lấy ý tưởng của người khác mà không ghi nguồn?

– Bẻ lái mục tiêu sau khi thất bại?

– Tỏ ra mình đã đáp ứng được kỳ vọng, trong khi không thật sự?

Bạn sẽ thấy: trong rất nhiều trường hợp, “gian lận” không tồn tại – chỉ vì chẳng có cuộc cạnh tranh nào để mà phá vỡ luật.

Facebook
Email
Print

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập