“Type is Brand” là tiêu đề một bài viết trên tạp chí Computer Arts số 224, trong đó nhà thiết kế chữ Erik Spiekermann đã chia sẻ quan điểm về vai trò của kiểu chữ trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu, đặc biệt khi kết hợp với màu sắc. Ông nhấn mạnh rằng: “Một số thương hiệu đã cố gắng đạt được sự độc đáo bằng cách sở hữu một màu sắc “ nhưng “Đơn giản là không có đủ màu sắc có thể phân biệt được cho tất cả các thương hiệu trên thế giới.” “Tuy nhiên, nếu một màu sắc đặc biệt được kết hợp bởi một kiểu chữ độc đáo, thì bản sắc thương hiệu sẽ trở nên dễ dàng thể hiện và duy trì hơn nhiều.”
Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ tầm quan trọng của kiểu chữ trong việc định hình thương hiệu, đồng thời khám phá cách các thương hiệu toàn cầu đã tận dụng yếu tố này để tạo nên sự thành công và độc đáo.
Kiểu chữ và nhận diện thương hiệu
Spiekermann giải thích rõ hơn bằng ví dụ về Facebook, một thương hiệu không chỉ nổi tiếng với màu xanh lam mà còn với kiểu chữ Klavika, được thiết kế bởi Eric Olson. Ông khẳng định rằng sự độc đáo của kiểu chữ Facebook, đặc biệt là chữ ‘f’ nhỏ, đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của thương hiệu này. Spiekermann chia sẻ: “Sự kết hợp giữa màu xanh lam và một chữ cái hơi kỳ quặc đã giúp xây dựng thương hiệu.”
Facebook chỉ là một ví dụ cho việc các nhà thiết kế đã sử dụng chữ để góp phần tạo nên sự thành công cho các thương hiệu.
Là một nhà thiết kế kiểu chữ danh tiếng, Erik Spiekermann đã được giao nhiều dự án lớn như Fira Sans cho Firefox, Bosch Sans & Serif cho Bosch và ITC Officina cho tạp chí The Economist. Những dự án này đã giúp ông khẳng định tầm quan trọng của kiểu chữ trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Thiết kế kiểu chữ cho tạp chí The Economist
Năm 2001, Spiekermann đã thiết kế lại kiểu chữ cho The Economist. Ông và Ole Schafer đã tạo ra một kiểu chữ riêng cho tạp chí này. Ngoài ra, ông sử dụng ITC Officina Sans cho các biểu đồ, bảng biểu và chú thích để đảm bảo sự rõ ràng và tương phản.
Tạp chí The Economist The Economist là một tờ báo hàng tuần bằng tiếng Anh thuộc sở hữu của The Economist Newspaper Ltd và được biên tập tại các văn phòng ở London.
Năm 2001, khi Speikermann tiến hành thiết kế lại tạp chí, ông đã đặt tất cả văn bản theo kiểu chữ riêng của tờ Economist, kiểu chữ mà chính Ole Schafer và chính ông đã thiết kế lại cho lần xuất bản lại. Nhưng tất cả các biểu đồ, bảng, thanh bên và chú thích đều được thiết lập trong ITC Officina Sans để đảm bảo độ tương phản và rõ ràng.
Các thương hiệu nổi tiếng sử dụng kiểu chữ độc quyền
Sau Erik Spiekermann, những nhà quản lý cũng hiểu rằng, kiểu chữ độc quyền là yếu tố quan trọng để ghi dấu ấn của thương hiệu đến với khán giả. Các thương hiệu nổi tiếng cũng thi nhau tạo ra những kiểu chữ của riêng mình:
Apple với kiểu chữ San Francisco
Năm 2015, Apple đã giới thiệu kiểu chữ San Francisco, được thiết kế riêng nhằm mang lại tính nhất quán và dễ đọc trên tất cả các sản phẩm của hãng. Với 9 trọng lượng khác nhau (từ Thin đến Black), bao gồm chữ nghiêng, San Francisco giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên mọi nền tảng và độ phân giải.
San Francisco bao gồm hai biến thể chính:
- SF Pro: Dành cho hệ điều hành iOS, macOS và các nền tảng tương tự.
- SF Compact: Tối ưu cho Apple Watch, giúp hiển thị rõ ràng trên các thiết bị nhỏ với độ phân giải cao.
San Francisco có thiết kế linh hoạt, phù hợp với cả giao diện người dùng lẫn trải nghiệm đọc trên các thiết bị Apple như iPhone, iPad, MacBook và Apple Watch.
Apple đã thiết kế San Francisco không chỉ để phục vụ cho nhận diện thương hiệu, mà còn để cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này thể hiện rõ qua việc kiểu chữ này có thể thay đổi kích thước và độ tương phản linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh sử dụng, đảm bảo tính dễ đọc và thẩm mỹ cao trong mọi trường hợp.
Google với kiểu chữ Product Sans
Cũng trong năm 2015, Google ra mắt Product Sans, một kiểu chữ sans-serif hình học tùy chỉnh. Kiểu chữ này được thiết kế đơn giản nhưng tinh tế, giúp bổ trợ cho logo của Google mà không làm mất đi sự nhận diện. Product Sans góp phần tạo nên diện mạo hiện đại và dễ tiếp cận cho Google.
Product Sans là một kiểu chữ sans-serif hình học, chịu ảnh hưởng từ các đặc điểm thiết kế của các kiểu chữ kinh điển như Futura, nhưng được tinh chỉnh để mang đến sự mềm mại và hiện đại hơn. Một số đặc điểm nổi bật của Product Sans:
- Hình học đơn giản: Các hình dạng của Product Sans được thiết kế theo đường cong hình học thuần túy, tạo nên sự tinh gọn và dễ đọc. Đặc biệt, các chữ cái tròn như “o” có hình tròn hoàn hảo, mang lại cảm giác thân thiện và dễ tiếp cận.
- Tính linh hoạt cao: Google thiết kế Product Sans để phù hợp với nhiều kích thước màn hình, từ điện thoại thông minh đến máy tính bàn. Kiểu chữ này dễ đọc ở mọi kích cỡ và đặc biệt lý tưởng cho giao diện người dùng số.
- Sự kết hợp với logo: Google đã sử dụng Product Sans trong logo mới của họ, giúp logo trở nên hiện đại, tối giản và dễ dàng tích hợp trên mọi nền tảng. Sự thay đổi này đánh dấu bước chuyển mình từ kiểu chữ serif cũ sang một thiết kế sans-serif, nhấn mạnh sự phát triển công nghệ của Google.
Một điểm đáng chú ý của Product Sans là mặc dù nó được sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm và logo của Google, nhưng kiểu chữ này không được phát hành công khai để sử dụng bên ngoài. Đây là kiểu chữ độc quyền, giúp duy trì sự độc đáo và nhất quán cho nhận diện thương hiệu Google.
Ngoài ra, Product Sans còn có một số biến thể để phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau của Google, bao gồm cả logo động khi hiển thị trên các trang tìm kiếm và dịch vụ khác. Thiết kế này góp phần tạo nên cảm giác gần gũi, hiện đại, đồng thời không làm mất đi tính chất nhận diện mạnh mẽ của thương hiệu Google.
Netflix với kiểu chữ Netflix Sans
Netflix đã ra mắt kiểu chữ tùy chỉnh của riêng mình vào năm 2018 với sự hợp tác cùng xưởng đúc chữ Dalton Maag, Netflix Sans, nhằm đảm bảo sự tương thích về cả mặt thẩm mỹ và chức năng. Theo Noah Nathan, trưởng nhóm thiết kế thương hiệu của Netflix, Netflix Sans được thiết kế để truyền tải tính nghệ thuật và sự tối giản, giúp thương hiệu dễ dàng nhận diện và ấn tượng.
Một số đặc điểm nổi bật của kiểu chữ này bao gồm:
- Hình học đơn giản, gọn gàng: Netflix Sans là kiểu chữ sans-serif mang phong cách hình học với các đường nét sắc sảo và gọn gàng. Nó tạo cảm giác tối giản nhưng hiện đại, phù hợp với hình ảnh công nghệ cao của thương hiệu.
- Tính nhất quán trên nhiều nền tảng: Netflix Sans được tối ưu hóa để hiển thị trên nhiều màn hình và độ phân giải khác nhau, từ TV, máy tính bảng, điện thoại di động đến các thiết bị phát trực tuyến như Roku. Đặc biệt, tỷ lệ các chữ cái được thiết kế sao cho kiểu chữ trông ấn tượng và dễ đọc trên màn hình lớn, đồng thời vẫn đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm không gian trên màn hình nhỏ.
- Phong cách điện ảnh: Một trong những mục tiêu của Netflix Sans là tạo ra cảm giác điện ảnh cho người xem. Theo Noah Nathan, trưởng nhóm thiết kế thương hiệu của Netflix, tỷ lệ chữ hoa được thiết kế để trông “điện ảnh,” mang lại cảm giác uyển chuyển và tinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ chữ thường gọn gàng và hiệu quả, phù hợp với nội dung phong phú và đa dạng của Netflix.
- Đặc điểm riêng biệt: Một chi tiết đặc biệt của Netflix Sans là đường cắt hình vòng cung trên chữ “t” viết thường, lấy cảm hứng từ “đường cong điện ảnh” mà thương hiệu muốn truyền tải. Điều này giúp tạo sự liên tưởng mạnh mẽ đến các yếu tố điện ảnh, hỗ trợ nhận diện thương hiệu một cách trực quan và độc đáo.
Kiểu chữ - Yếu tố không thể thiếu trong xây dựng thương hiệu
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều thương hiệu đã tạo ra kiểu chữ cho riêng mình và đã đạt được nhiều thành công trong công cuộc xây dựng thương hiệu đến với khách hàng. Để xây dựng một thương hiệu hoàn chỉnh, có lẽ giờ đây công việc không chỉ chú trọng đến một hình biểu tượng có ý nghĩa, một màu sắc dễ nhớ và gắn liền với thương hiệu, những nhà thiết kế còn cần tập trung đến việc lựa chọn hoặc tạo ra một kiểu chữ đại diện cho thương hiệu của mình. Đó là con đường mà nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã lựa chọn và rất thành công.
Kết bài xin trích dẫn một câu nói trong chính bài viết đã nêu ở phần đầu để thấy được rằng: kiểu chữ không chỉ là dùng để dễ dàng đọc được, một kiểu chữ còn đại diện cho cả 1 thương hiệu, “Ngay cả vào cuối những năm 90, giới tiếp thị vẫn không hiểu rằng một kiểu chữ độc quyền không chỉ tạo ra vẻ ngoài độc quyền cho thương hiệu của họ”_ bài viết “Type is Brand” trên tạp chí Computer Arts số 224.
Responses