Mấy ngày này khắp các mạng xã hội đưa tin về sự ra đi của Kim Jung Gi – một người thầy, một người đàn anh, một họa sĩ với cây bút mực và là idol của nhiều bạn trẻ yêu mỹ thuật. Đây quả là một mất mát khá lớn khi từ nay chúng ta không còn được thấy ông trình diễn những tác phẩm vẽ từ trí tưởng tượng hay được nghe ông chia sẻ về chuyện nghề vẽ nữa. Xin cảm ơn ông vì những đóng góp miệt mài cho mỹ thuật và xin dành cho ông sự trân trọng.
Sáng tác của họa sĩ Kim Jung Gi
Có khả năng vẽ như Kim Jung Gi, cứ cầm bút lên là có thể vẽ, đấy là ước muốn của rất nhiều bạn trẻ muốn theo nghề vẽ minh họa hiện nay. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rất rõ để làm được điều đó không ai có thể tự nhiên làm được mà nó là cả quá trình học hỏi, luyện tập liên tục không ngừng nghỉ. Vậy thì mất công, mất thời gian, mất sức để học, để luyện tập để làm gì khi công nghệ ngày nay phát triển và chỉ bằng vài thông tin được nạp vào và chờ đợi là AI có thể tạo ra một bức tranh cho bạn. Liệu AI có thể thay thế cho các họa sĩ hay liệu có cuộc chiến nào giữa AI và họa sĩ không? Đó đang là một vấn đề khá nóng đang được bàn luận sôi nổi từ khi có Midjourney (Một AI xử lý hình ảnh) và đỉnh điểm là sản phẩm từ nó được giải nhất của một cuộc thi về minh họa.
Một hình ảnh được xử lý bởi Mid – Journey
Có rất nhiều bài viết cũng như quan điểm trên không gian mạng về AI và về họa sĩ. Có người thì nói họa sĩ sắp hết thời, hay cũng có người cho rằng AI không thể thay thế cho con người… và đôi khi sự bàn luận cũng trở nên gay gắt và có phần căng thẳng. Nhưng theo quan điểm của mình thì vốn AI và họa sĩ là những đối tượng riêng biệt với những chức năng cũng riêng biệt. Các họa sĩ Hội họa hay minh họa ngày nay ít nhiều đều biết dùng phần mềm đồ họa như Adobe Illustrator hay Adobe Photoshop, và chắc chắn những hiệu quả hình ảnh chúng ta đạt được khi dùng các phần mềm này là sản phẩm của AI. Các bạn vẽ trên Photoshop hay Procreate để tạo nên tác phẩm thì ngoài tài năng của các bạn thì AI chính là những phần mềm hay App hỗ trợ cho các bạn làm nên tác phẩm đó.
Một tác phẩm của danh họa Monet được bán với giá $110.7 million
Còn với một AI như Midjourney là ví dụ điển hình, nó được sinh ra là sản phẩm của người làm lập trình chứ không phải là họa sĩ. Các bạn nhập thông tin và AI cho ra kết quả, đó là kết quả của thuật toán lập trình và bức tranh đó không hề có một nét vẽ nào. Vậy nếu Photoshop cũng có hình thức hoạt động ban đầu như vậy thì quả thực các bạn chỉ cần nhập những hình ảnh trong moodboard của mình vào là có ngay phác thảo rồi, chỉ còn việc hoàn thiện nữa thôi. Nếu chạy deadline ngập đầu mà có trợ lý thế này thì quả là đáng giá.
AI phát triển nếu coi nó là sự hỗ trợ cho sáng tạo thì chắc chắn các họa sĩ sẽ có thêm nhiều trải nghiệm đáng giá. Còn nếu đem sản phẩm có tính nhân bản của AI để so với sự độc nhất trong phong cách của họa sĩ thì nó không liên quan chút nào. AI không có tính sáng tạo mà nó chỉ đưa ra kết quả dựa trên thông tin, bạn nhập cùng 1 thông tin thì kết quả AI tạo ra sẽ giống nhau bởi nó dùng cùng 1 thuật toán. Còn với họa sĩ thì chắc chắn mỗi người sẽ có cách vẽ riêng không ai giống ai được.
Không còn xa lạ với ‘Đêm đầy sao’ của Van Gogh
Ngoài ra thì khi bạn thích vẽ thì việc được ngồi vẽ là rất vui rồi. Học vẽ, nâng cao kỹ năng, hiểu biết của mình để vẽ được cái mình muốn và kiếm được thu nhập từ việc vẽ lại càng hạnh phúc hơn. Có lẽ vì vậy mà sinh viên trường mình vẫn đi học miệt mài và vẫn vẽ miệt mài lắm. Còn với công việc thì dù bạn dùng AI hay bạn tự vẽ ra sản phẩm mà phục vụ tốt cho công việc thì đều rất tốt phải không?
Một lần nữa chúng ta hãy gửi lời chào tạm biệt Mr Kim Jung Gi và cùng xem lại những chia sẻ của ông cho các họa sĩ trẻ nhé. Click để xem
Responses