Vẽ minh họa và mỹ thuật truyền thống học khác nhau thế nào?

my-thuat-truyen-thong-concept-art-ve-minh-hoa
Facebook
Email
Print

Vẽ minh họa & Concept art được du nhập và phát triển tại Việt Nam chưa lâu nhưng đã tạo ra một làn sóng mới vô cùng mạnh mẽ. Với cùng một nền tảng với Hội họa nhưng ứng dụng thực tế khác nhau đòi hỏi quá trình học cũng có ít nhiều sự khác biệt. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những điểm đặc trưng của 2 ngành học này nhé.

Mỹ thuật truyền thống

Mỹ thuật truyền thống hay còn gọi là hội họa, đây là ngành học mỹ thuật sáng tác chuyên nghiệp. Mục tiêu của ngành này là đào tạo ra những họa sĩ sáng tác tranh và các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp, mang tính cá nhân cao. Chính vì vậy việc đào tạo ngoài kỹ năng nghề thì còn chú trọng vào quan điểm nghệ thuật, giáo dục về nhận thức cái đẹp, cách thức triển khai ý tưởng sáng tác thành tác phẩm cụ thể.

Về kỹ năng sẽ chủ yếu học các bộ môn thực hành trực tiếp như màu bột, màu nước, sơn dầu, lụa, sơn mài… Ngoài ra sinh viên được tiếp cận với những loại hình nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, video art…

Em Thúy – bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, bức tranh được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20. Bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Vẽ minh họa & Concept Art

Học vẽ concept art và minh họa sẽ được gọi là học mỹ thuật công nghiệp. Đây là ngành học để đào tạo họa sĩ cho công nghiệp giải trí. Họa sĩ sử dụng kỹ năng và học thuật để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nền tảng khác nhau như điện ảnh, hoạt hình, sách truyện…

Ngoài sự tương đồng với Hội họa ở nền tảng kiến thức cơ bản thì với concept art và vẽ minh họa, sinh viên được đào tạo về kỹ năng vẽ trên máy tính. Bên cạnh đó là cách thức đọc hiểu, nghiên cứu và đưa ra ý tưởng từ yêu cầu của khách hàng. Tính cá nhân, quan điểm nghệ thuật hay nhận thức về cái đẹp có được đề cập đến nhưng nó không phải vấn đề trọng yếu. Điều quan trọng là sự dung hòa giữa cá nhân và yêu cầu của công việc nhằm tạo ra kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Trong thời đại ngày nay, sự phân hóa về yêu cầu của các ngành nghề ngày càng rõ ràng và chuyên nghiệp. Chính vì vậy việc chọn con đường đi cho mình từ lúc bắt đầu vào nghề là điều cực kỳ quan trọng.

Minh họa cho Concept art | Sản phẩm của thầy Đào Nguyên Vũ – Chủ nhiệm chuyên ngành Concept Art & Illustration của Monster Lab

Bạn học Hội họa nhưng tốt nghiệp xong chưa chắc đã là một họa sĩ. Bạn cần có thời gian làm việc với nghề, ghi dấu ấn của mình bằng các tác phẩm mang đậm dấu ấn của bạn cũng như có giá trị với xã hội. Khi đó bạn sẽ khẳng định được dấu ấn của mình trong nghề và được xã hội công nhận. 

Sự cạnh tranh trong Hội họa có tồn tại nhưng không quá phổ biến và gay gắt vì chủ yếu các họa sĩ làm việc độc lập và có cách tiếp cận riêng. Và điều quan trọng hơn để trở thành họa sĩ là bạn có thể sống bằng nghề, bằng tác phẩm của mình.

Con đường của Hội họa vô cùng gian nan vất vả vì thành công được hay không đều phụ thuộc vào bản thân người họa sĩ. Tuy nhiên nếu một họa sĩ có sức sáng tác bền bỉ thì tuổi nghề có thể sẽ rất cao và chúng ta cũng có nhiều ví dụ về các họa sĩ gạo cội cả trong nước cũng như quốc tế.

Minh họa cho mỹ thuật truyền thống | Bức Sunrise – Claude Monet

Khác với Hội họa, Concept Art & Vẽ minh họa được phát triển rõ ràng và trở thành 1 nghề như ngày nay là do sự phát triển mạnh của ngành giải trí, công nghệ cũng như nhu cầu thưởng thức của con người. Dù đã định hình và phát triển khá lâu ở các nước u Mỹ hay ở châu Á là Trung Quốc & Hàn Quốc thì ở Việt Nam đây vẫn là một nghề mới. Chính vì vậy nhận thức của phần đông trong xã hội ta vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây nền công nghiệp giải trí phát triển rất mạnh mẽ – đặc biệt là sự nở rộ của các công ty sản xuất Game. Ngoài vẽ minh họa sách truyện, sản xuất phim hoạt hình thì nhu cầu tuyển dụng những họa sĩ chuyên nghiệp trong ngành Game đang trở nên vô cùng bức thiết.

Ban đầu là sự dịch chuyển nghề của các họa sĩ Hội họa sang Concept Art. Gần đây là sự xuất hiện của những họa sĩ vẽ Concept art và Minh họa được đào tạo chuyên nghiệp từ các trường trong nước cũng như ngoài nước. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển thông tin về ngành vẽ concept art với xã hội. Họa sĩ Concept art chuyên nghiệp được săn đón và có cơ hội hưởng thu nhập rất cao.

Cơ hội nhiều và hấp dẫn nhưng cũng kèm theo sự cạnh tranh rất gắt gao và mạnh mẽ. Một họa sĩ Concept art ngoài việc khẳng định khả năng bản thân qua sản phẩm còn cần có một thái độ làm việc chuyên nghiệp và có hiểu biết về những công việc mình làm. 

Cùng là nghề họa sĩ nhưng họa sĩ Concept art có điểm giống những cũng có sự khác biệt rõ ràng với họa sĩ Hội họa. Dù sao họa sĩ concept cũng là một khâu trong guồng máy công nghiệp giải trí và đòi hỏi khả năng vẽ một cách công nghiệp và hiệu quả của bạn. Tuổi nghề của họa sĩ minh họa cũng phụ thuộc vào khả năng đáp ứng công việc của họa sĩ, tương tự như họa sĩ Hội họa.

Minh họa cho Concept art | Bài tập cuối môn Thiết kế bối cảnh – Sinh viên Nguyễn Thu Giang – Khóa 3

Tóm lại, trước khi lựa chọn học vẽ thì người học cần tìm hiểu rõ là mình học vẽ để làm gì. Để làm họa sĩ sáng tác tranh thì học Hội họa. Còn học để tham gia vào ngành công nghiệp giải trí như làm game, vẽ minh họa sách truyện, vẽ cho hoạt hình thì hãy lựa chọn concept art & vẽ minh họa. Và dù đi con đường nào chăng nữa thì hãy cố gắng duy trì ngọn lửa đam mê của mình với ngành nghề mình đã chọn.

Trên đây là vài dòng chia sẻ của thầy Chủ nhiệm chuyên ngành Concept Art & Illustration tại Monster Lab, hy vọng giúp các bạn có nhìn nhận rõ ràng hơn về nghề.

Facebook
Email
Print

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

KHÓA HỌC DÀI HẠN

KHÓA HỌC NGẮN HẠN

Đăng nhập