Sứ mệnh của người ghi lại và truyền bá lịch sử – đặc biệt là lịch sử nghệ thuật – không đơn thuần chỉ là liệt kê những mốc thời gian với các sự kiện đi kèm. Vai trò của họ là nhìn thấy sợi dây tư tưởng và triết học giữa các sự kiện. Mọi tài liệu lịch sử đều được xây dựng qua một lăng kính cá nhân. Do đó, khi tiếp nhận thông tin lịch sử, bất cứ ai trong chúng ta cũng cần có tư duy và cảm nhận riêng, tức là nhận định riêng của mình về dòng chảy lịch sử. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu tổng quan dòng chảy lịch sử thiết kế đồ họa để độc giả theo dõi mục bài được tốt hơn.
Nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ họa là khác nhau
Như đã đề xuất trong bài viết Một góc nhìn phân biệt nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ hoạ, ta phân biệt nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ hoạ như hai phương tiện hoàn toàn độc lập:
- Nghệ thuật thị giác là kết quả của những nghệ sĩ sử dụng các công cụ tạo hình thị giác đa dạng nhằm bày tỏ thế giới nội tâm, tư duy, tư tưởng, quan điểm… của cá nhân họ. Sản phẩm nghệ thuật không có công năng sử dụng.
- Thiết kế đồ hoạ là kết quả của những nhà thiết kế cũng sử dụng các công cụ tạo hình thị giác đa dạng nhằm diễn đạt và truyền tải một thông tin, một thông điệp được định trước cho đối tượng tiếp nhận cũng được định trước. Sản phẩm thiết kế phục vụ sứ mệnh là công năng của nó.
- Tính độc bản được tôn vinh trong nghệ thuật, trong khi điều này không áp dụng với thiết kế đồ hoạ. Thậm chí, hoàn toàn ngược lại, sản phẩm thiết kế có thể hướng tới được tái sản xuất càng nhiều càng tốt.
- Nghệ thuật là cái chủ quan, và thiết kế là cái khách quan.
Sự khai sinh ra nghề thiết kế đồ họa
Năm 1922, William Addison Dwiggins, một nhà thiết kế phông chữ, người thực hành thư pháp phương Tây, và nhà thiết kế sách người Mỹ, đặt ra khái niệm “thiết kế đồ họa” (graphic design). Tuy nhiên, khái niệm đó vẫn rất hiếm khi được sử dụng cho đến tới sau Thế chiến II. Trước thời điểm đó, những người làm công việc thiết kế đồ hoạ vẫn được gọi tên là “nghệ sĩ thương mại” (commercial artist).
Dwiggins đặt ra khái niệm thiết kế đồ hoạ để miêu tả công việc của mình như một cá nhân mang lại trật tự cấu trúc và những hình dạng thị giác cho các loại sản phẩm truyền thông dạng in ấn. Việc xác định khái niệm này là cần thiết với bối cảnh thời đại khi một nghề nghiệp mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ – nghề thiết kế đồ hoạ.
Những người thuộc trào lưu Swiss Style (Phong cách Thụy Sĩ) hay International Typographic Style (Phong cách Ký tự pháp Quốc tế) chính thức hoạch định sự khác biệt giữa họ và nghệ sĩ vào những năm 1950 trong tuyên ngôn của mình: nhà thiết kế đồ hoạ không phải là nghệ sĩ, và nhà thiết kế đồ hoạ là những ống dẫn thông tin hoàn toàn khách quan giữa các thành phần trong xã hội.
Ngay từ thời tiền sử thì con người đã không ngừng tìm kiếm những cách thức để trao hình dạng thị giác cho ý tưởng và khái niệm, lưu trữ tri thức dưới dạng đồ họa, và tạo ra trật tự cũng như sự rõ ràng cho thông tin. Nỗ lực tạo ra ngôn ngữ viết chính là một trong những nỗ lực sơ khởi cho quá trình ấy. Như vậy, những người tiền sử vẽ ra những bức tranh trên tường hang đá như trong hang Lascaux (khoảng 17,000 năm trước) chính là những người đầu tiên thực hành thứ mà ngày nay ta gọi là “thiết kế đồ hoạ” hay đúng hơn là “truyền thông thị giác” (visual communication).
Ý niệm về “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay tạo tác nghệ thuật là một đồ vật đẹp mà tồn tại chỉ vì giá trị thẩm mỹ của nó và không mang bất cứ công năng nào, không phát triển cho tới tận thế kỷ 19. Trước Cách mạng Công nghiệp, tất cả mọi tạo tác đều được làm hoàn toàn thủ công. Người nghệ sĩ hay người nghệ nhân đều có chung một chức năng sản xuất ra các đồ vật có tính thẩm mỹ và có công năng. Cái đẹp của hình dạng và hình ảnh mà con người tạo ra bắt buộc liên kết với chức năng của chúng trong xã hội loài người, dù sản phẩm ấy là một bức hoạ, một bức tượng, một toà nhà, một cái bình, hay một tấm thảm…
Sự ra đời của máy móc và sản xuất hàng loạt cắt bỏ vai trò bắt buộc của con người ra khỏi quá trình sản xuất. Người nghệ sĩ và nghệ nhân mất đi vị thế cũng như chức năng xã hội và kinh tế đang tồn tại của họ. Đổi lại, họ lại có một quyền năng mới là lựa chọn sử dụng những kỹ năng và kiến thức có sẵn để phục vụ cho những mục đích mới tự định ra – thay bằng làm công cụ, dù siêu việt tới mức nào, của giới tinh hoa nằm ở chóp xã hội. Sự hoang mang của việc đánh mất chức năng vốn có tạo ra cơ hội cho một tự do chưa từng có trước đó: tự do được là chính mình và tự do được biểu hiện điều ấy – như một con người.
Buổi đêm (Die Nacht) (1918-1919) của Max Beckmann – một hoạ sĩ tiên phong của Biểu hiện Đức, nhưng cũng lại là một biểu tượng của trào lưu Neue Sachlichkeit (Khách quan mới)
Cách mạng Công nghiệp trong thế kỷ 19 tạo ra nhu cầu quảng cáo và hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ 20 tạo ra nhu cầu tuyên truyền, những nhu cầu này tạo ra nhu cầu về thiết kế đồ hoạ. Cùng với việc nghệ sĩ mất đi vai trò cũ của mình, vai trò/nghề thiết kế đồ hoạ ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Nhà thiết kế sử dụng các hình thức và màu sắc theo chức năng tâm lý của chúng. Nhà thiết kế là người nghệ sĩ của ngày hôm nay, bởi vì anh ta làm việc theo cái cách để tái thiết lập mối liên hệ giữa nghệ thuật và công chúng, bởi vì anh ta có sự khiêm tốn và khả năng đáp ứng bất cứ nhu cầu nào được tạo ra bởi xã hội mà anh ta đang sống, anh ta đáp ứng nhu cầu của con người trong thời đại của anh ta. (Jean-Baptiste Lamarck – “Hình thức đi theo công năng”). Công nghiệp khởi sinh từ cái hữu dụng, nghệ thuật bắt đầu từ cái vô dụng (Théophile Gautier).
Đã có lúc, nghệ thuật phản ánh tình trạng thực tế của thời đại, hoặc ít nhất nó đã cố gắng (hoặc phải) làm việc đấy. Ngày nay, thiết kế truyền thông đảm nhiệm vai trò này. Bởi nó thuộc về công chúng, sinh ra từ công chúng và dành cho công chúng. Nhà thiết kế nên là những ống dẫn khách quan. Nghệ thuật rút lại phạm vi cá nhân chủ quan, cho dù là với một ước vọng kiếm tìm cái phổ quát (universal).
Dòng chảy lịch sử thiết kế đồ họa theo quan điểm của Meggs
Phillip Baxter Meggs (30/05/1942 – 24/11/2002) là một nhà thiết kế đồ hoạ, giáo sư, nhà sử học và tác giả sách về thiết kế đồ hoạ người Mỹ.
Loạt sách về Lịch sử thiết kế đồ hoạ của ông được coi là tài liệu tiêu chuẩn cần đọc khi nghiên cứu về thiết kế đồ hoạ. Người ta gọi ông là nhà sử học về thiết kế quan trọng nhất kể từ sau Nikolaus Pevsner (1902 – 1983).
Ngược lại với Pevsner, ông đã xuất bản một lịch sử thiết kế đồ hoạ mà vượt qua thế kỷ 19 và 20. Meggs là một trong những nhà giáo dục đầu tiên tạo ra một cái nhìn tổng quan về lịch sử của thiết kế đồ họa không phụ thuộc hoàn toàn vào cấu trúc truyền thống của lịch sử nghệ thuật. Ông tin rằng thiết kế đồ hoạ đòi hỏi một sự hiểu biết đầy đủ về quá khứ và mối liên hệ của nó với nghệ thuật.
Cuốn Lịch sử Thiết kế Đồ hoạ của Meggs (Meggs’ History of Graphic Design) đã được xuất bản với 6 phiên bản, phiên bản sau đầy đủ hơn phiên bản trước, với sự tham gia đóng góp tu chỉnh của nhiều chuyên gia khác – ngay cả sau khi ông đã qua đời. Sau đây ta sẽ tham khảo mục lục phiên bản thứ 5 (phát hành năm 2011) để có cái nhìn bao quát về dòng chảy lịch sử thiết kế đồ hoạ theo quan điểm của ông:
Phần 1: Phần mở đầu cho thiết kế đồ họa
Thông điệp thị giác từ thời tiền sử cho tới xuyên suốt thời trung cổ
Chương 1: Sự phát minh ra chữ viết
Chương 2: Chữ cái alphabet
Chương 3: Những đóng góp của châu Á
Chương 4: Những bản thảo viết tay có minh hoạ
Phần 2: Một sự phục hưng đồ họa
Những nguồn gốc của ký tự pháp và thiết kế cho in ấn tại châu Âu
Chương 5: In ấn đến với châu Âu
Chương 6: Sách minh hoạ của Đức
Chương 7: Thiết kế đồ hoạ Phục hưng
Chương 8: Một thời kỳ của những thiên tài ký tự pháp
Phần 3: Cầu nối tới thế kỷ 20
Cách mạng Công nghiệp: Tác động của công nghệ công nghiệp tới truyền thông thị giác
Chương 9: Thiết kế đồ hoạ và cuộc Cách mạng Công nghiệp
Chương 10: Trào lưu Arts & Crafts và di sản của nó
Chương 11: Art Nouveau
Chương 12: Nguồn gốc của thiết kế thế kỷ 20
Phần 4: Thời kỳ của chủ nghĩa Hiện đại
Thiết kế đồ hoạ vào nửa đầu của thế kỷ 20
Chương 13: Ảnh hưởng của nghệ thuật Hiện đại
Chương 14: Hình ảnh Hiện đại (Pictorial Modernism)
Chương 15: Một ngôn ngữ mới của hình dạng
Chương 16: Bauhaus và Ký tự pháp mới
Chương 17: Trào lưu Hiện đại ở Mỹ
Phần 5: Kỷ thông tin
Thiết kế đồ hoạ tại “cái làng thế giới” (global village)
Chương 18: Phong cách Ký tự pháp Quốc tế
Chương 19: New York School
Chương 20: Nhận diện và các hệ thống thị giác của công ty (Corporate Identity and Visual Systems)
Chương 21: Hình ảnh ý niệm
Chương 22: Thiết kế hậu hiện đại
Chương 23: Tầm nhìn quốc gia trong một cuộc đối thoại toàn cầu
Chương 24: Cách mạng kỹ thuật số – và hơn thế nữa
Sứ mệnh của người ghi lại và truyền bá lịch sử – đặc biệt là lịch sử nghệ thuật – không đơn thuần chỉ là liệt kê những mốc thời gian với các sự kiện đi kèm. Vai trò của họ là nhìn thấy sợi dây tư tưởng và triết học giữa các sự kiện. Mọi tài liệu lịch sử đều được xây dựng qua một lăng kính cá nhân. Do đó, khi tiếp nhận thông tin lịch sử, bất cứ ai trong chúng ta cũng cần có tư duy và cảm nhận riêng, tức là nhận định riêng của mình về dòng chảy lịch sử.
Với mục tiêu tập trung vào vai trò cũng như định nghĩa xã hội của thiết kế đồ hoạ và nhà thiết kế đồ hoạ, chúng tôi đi theo một quan điểm truyền thống hơn quan điểm của Meggs – tức là bám sát dòng chảy của lịch sử thiết kế đồ hoạ (đã trở thành thiết kế truyền thông) từ thế kỷ 19 trở đi. Tất nhiên, nội dung này cũng nằm trong tương quan với các trào lưu/thời kỳ nghệ thuật trước và cùng lúc đó.
Tác giả: Lê Hương Mi
Responses