Bạn là một designer. Nhưng liệu bạn có phải là một designer tốt?
Làm thế nào để phân biệt giữa một designer trung bình và một designer xuất sắc?
Có rất nhiều người cảm thấy yên tâm khi ngồi sau chiếc máy tính với phiên bản mới nhất của Photoshop, Illustrator hay InDesign và coi mình như là một “nhà thiết kế đồ họa thực thụ”. Sự thật thì không phải như vậy. Thiết kế là một lối sống mà ở đó những người nghệ sĩ sống và thở trong bầu không khí của nghệ thuật và sự sáng tạo. Điều này không nói rằng bạn phải ôm khư khư những phần mềm đồ họa cả ngày. Tớ chỉ muốn nói rằng, để trở thành một “nhà thiết kế đồ họa xuất sắc”, bạn cần có sự cống hiện, sức mạnh của tâm trí và quan trọng là cách làm việc thông minh.
May mắn là, bạn sẽ không còn lạc đường lâu hơn nữa. Bởi ngay bây giờ, tớ sẽ chỉ cho bạn cách để thoát ra khỏi cái bóng của một designer trung bình và tiếp cận với sự xuất sắc.
- Đừng bao giờ ngừng học hỏi
Điều này hẳn đã quá rõ ràng. Sự học không dừng lại sau khi bạn tốt nghiệp. Chẳng có bài giảng nào là trường tồn vĩnh cửu để bạn dựa vào. Học hỏi từ những tiền bối trong nghề là việc quan trọng và cần thiết nhất nếu muốn tồn tại. Nghiên cứu và tìm tòi để mình không bị tụt lại so với xu thế – đặc biệt là trong ngành công nghiệp sáng tạo đầy sự biến động này. Đừng chỉ ngồi ì cả ngày sau máy tính. Hãy đi du lịch, đọc sách, ăn ngon và trải nghiệm những thử thách lạ lẫm. Làm mọi thứ để mỗi ngày bạn lại tiến xa hơn tư duy của ngày hôm qua.
- Khả năng nghệ thuật
Khi nói đến đây, chắc hẳn trong đầu bạn đang hình thành suy nghĩ :“chỉ những người có khả năng nghệ thuật mới trở nên xuất sắc?”. Không không. Ý tớ không phải như thế. Một số người cho rằng phải có năng khiếu thì mới làm được những công việc liên quan đến nghệ thuật. Số khác lại cho rằng cái gì cũng có thể học được, năng khiếu chỉ chiếm 1% mà thôi. Dù là gì thì cũng không quan trọng. Mấu chốt ở đây là bạn nắm được những tư duy về màu sắc, hình khối, mảng miếng, dòng chảy thị giác… Dù bạn có là thiên tài từ khi sinh ra hay là người cống hiến hết mình, điều quan trọng nhất vẫn là áp dụng những yếu tố tư duy cốt lõi mà bạn được học vào trong sản phẩm của mình.
- Hiểu về công cụ
Bạn có thể là người mang trong mình dòng máu nghệ thuật hay được gọi là thần đồng từ nhỏ. Thế nhưng bạn sẽ khó có thể tiến xa, nhất là trong thời hiện đại, nếu không làm quen với những công cụ đồ họa tốt và phổ biến nhất: Photoshop, Illustrator, InDesign, Lightroom… Những công cụ này cập nhật liên tục và đòi hỏi bạn phải chạy theo kịp nó. Nếu bạn là người chậm tiêu, đừng lo, làm việc với nó vài tiếng mỗi ngày và cố gắng khám phá mọi chức năng mà chúng cung cấp. Tham gia các dự án về đồ họa để được trải nghiệm thực tế. Một lớp học giảng dạy về các công cụ này cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá thời gian và mớ kiến thức dày cộp.
- Hiểu về thị trường
Một điều cơ bản mà designer cần biết là quá trình sản xuất. Ví dụ như bạn được yêu cầu thiết kế một chiếc brochure cho khách hàng, bạn cần phải biết brochure đó phục vụ cho mục đích gì, làm công việc gì và được phân phối như thế nào. Điều phiền toái nhất của một designer là họ không hiểu được sản phẩm cần thiết kế, vậy nên sản phẩm cuối cùng có thể không đúng như ý định ban đầu.
Tiếp theo, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau: mục tiêu của thiết kế này là gì? Nó ảnh hưởng đến khách hàng của mình như thế nào? Thiết kế này sẽ kể chuyện cho ai? Nếu thiết kế không truyền tải được câu chuyện mà thương hiệu muốn kể, thì dù nó có đẹp hay độc đáo đến mấy cũng khó đến được máy in. Những kiến thức về marketing, thương hiệu hay thậm chí tài chính không thừa và chúng sẽ giúp bạn vượt lên trên phần còn lại.
- Quan tâm đến chính bạn
Nghe có vẻ lạ nhỉ, nhưng đúng là như vậy đấy. Bạn có thấy phần lớn thời gian là bạn phục vụ người khác. Sau mỗi giai đoạn nhất định, hãy dừng lại một chút và nhìn lại bản thân mình. Thành quả bạn gửi cho khách hàng phản ánh con người và tính cách của bạn. Và quan trọng là, không khách hàng nào muốn làm việc với một designer khó chịu và thái độ căng thẳng khi làm việc.
Hãy chăm chút cho profile như đứa con của bạn. Mỗi khi một thương hiệu nào đó tìm đến bạn thì nhiều khả năng là có ai đó đã giới thiệu. Hẳn bạn không muốn ai đó nhắc đến mình với sự ngán ngẩm đúng không? Vậy nên, hãy giao tiếp và làm việc thật hợp lý và hiệu quả. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
- Hãy thiết kế một cách thông minh
Để làm thông minh hơn, có lẽ bạn cần tinh chỉnh một chút quy trình hiện tại của bạn. Cách dễ và nhanh nhất là hỏi những người lâu năm trong nghề. Một điều khá phổ biến là những designers có thói quen học hỏi và vay mượn những ý tưởng của nhau! Điều đó không có nghĩa là bạn bê hoàn toàn thiết kế của người khác về rồi kí tên mình vào đó. Hãy tạo ra dấu ấn và phong cách của riêng mình. Đến mức khi nhìn vào tác phẩm của bạn, người khác có thể gọi tên bạn ngay lập tức.
Một sai lầm dễ nhận thấy của những “designer trung bình” là thiết kế của họ luôn có sự kết hợp vô tội vạ của màu sắc, hiệu ứng, font chữ và ti tỉ thứ khác. Một designer thông minh luôn để dành khoảng trống cho thông điệp được nổi bật. Hãy nhớ “khoảng trống là người bạn thân của designer”
Nếu bạn vẫn luôn sống và làm việc như một “designer tự xưng” thì đây là lúc để bạn thay đổi. 6 yếu tố này chính là bản lề để bạn có thể trở thành một trong những designer xuất sắc nhất trong tương lai.
Còn bạn, bạn nghĩ như thế nào là một designer xuất sắc? Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn với chúng tớ nhé!
Responses